Thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp
Vùng đất cát khô hanh ngày nào ở vùng biển Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, giờ đã khoác lên mình một màu xanh đầy sức sống. Với diện tích hơn 2ha, mô hình nuôi bò, dê và trồng rau màu của anh Lê Công Lợi mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.
 
Cuối năm 2013, khi bắt đầu gầy dựng mô hình, anh Lê Công Lợi gặp rất nhiều khó khăn: thiếu vốn, thiếu nước tưới, thiếu kỹ thuật chăn nuôi bò nhốt chuồng… Để có vốn, anh thuyết phục gia đình vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 100 triệu đồng. Để có nước tưới, anh đào ao tích nước vào mùa mưa, khoan lấy nước ngầm và đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm.
 
Khâu chăm sóc và nuôi dưỡng được anh chú trọng: nuôi bò nhốt chuồng tránh được gió, rét; thức ăn của bò chủ yếu là cỏ trồng; chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ nên đàn bò lớn nhanh, khỏe và sinh sản đúng định kỳ. Trong quá trình nuôi, anh chủ động phòng bệnh cho đàn bò, nhất là bệnh lở mồm long móng; tận dụng các phế phẩm từ cây trồng để làm thức ăn cho bò. Anh còn nuôi dê và trồng thêm 2 ha rau màu, đậu phộng xen canh. 

Đàn bò hơn 30 con của gia đình anh Lợi đang sinh trưởng và phát triển rất tốt
Đàn bò hơn 30 con của gia đình anh Lợi đang sinh trưởng và phát triển rất tốt
 
Cũng từ mô hình nuôi - trồng, mỗi năm gia đình anh Vày Say Và, dân tộc Tày, ở thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, lãi gần 100 triệu đồng.
 
Khởi nghiệp với 15 triệu đồng vốn vay ủy thác từ Hội Nông dân, cùng số tiền tích cóp của gia đình, anh đầu tư nuôi dê. Do lợi thế vùng đồi núi, diện tích đất hoang hóa còn nhiều nên đàn dê gần 20 con của gia đình anh phát triển rất nhanh.
 
Năm 2013, bán dê, anh trồng 500 trụ thanh long. Đến cuối năm 2016, anh xuống thêm 200 trụ và đầu tư 150 triệu đồng để hạ áp kéo điện chong đèn cho cây thanh long. Anh còn học kỹ thuật trồng nấm rơm, nuôi bồ câu và thỏ thịt; trồng lúa và sen lấy hạt trên diện tích gần 3ha.

 
Từ các nguồn vốn vay do Đoàn Thanh niên quản lý, đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân trên 268 tỷ đồng cho gần 12.500 hộ đoàn viên, thanh niên vay phát triển kinh tế gia đình.

Anh Vày Say Và mơ ước mở rộng việc làm ăn, làm du lịch cộng đồng
Anh Vày Say Và mơ ước mở rộng việc làm ăn, làm du lịch cộng đồng
Những thanh niên như Lê Công Lợi, Vày Say Và ấp ủ mở rộng việc sản xuất, làm ăn của mình theo hướng du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, họ trăn trở về nguồn vốn cho thanh niên vay. Chị Võ Thị Minh Nga, Bí thư Huyện Đoàn Tuy Phong, cho biết:
 
"Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện nay Huyện Đoàn đang quản lý gần 35 tỷ đồng. Còn đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tuy có triển khai nhưng việc phát triển thêm thành viên, thêm tổ rất khó khăn, thủ tục rườm rà. Đây cũng là khó khăn cho đoàn viên thanh niên muốn vay vốn tại ngân hàng này".
 
Sắp tới, Tỉnh Đoàn Bình Thuận sẽ phát động Chương trình Thanh niên Khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2021;  ra mắt Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp của tỉnh. Đây là cơ sở giúp thanh niên trong việc hợp tác, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm, tiếp cận nguồn vốn.
Theo vov4.vov.vn

Có thể bạn quan tâm