40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ diệt chủng:

Thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, cao cả - Bài 4

Thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, cao cả - Bài 4
Bài 4: Chuyện về những chiến sĩ tình nguyện bên đất bạn
Tham gia Mặt trận 779 Campuchia từ những ngày đầu, ký ức về một thời oanh liệt nhưng đầy ý nghĩa đối với Trung tá Thiều Quang Thạch (Thường trực Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 779) không phai mờ. Khi đó, Trung tá Thạch đang là Thiếu úy, với vai trò Chính trị viên Đại đội 6 (Trung đoàn 320, Đoàn 7706), chốt giữ phía Đông sông Mekong ở khu vực phà Neak Luong, cùng một lữ đoàn hải quân bảo vệ, đảm bảo cho các đơn vị vượt sông.
Đại tá Hà Xuân Thành (phải) và Trung tá Kiều Quang Thạch giở lại những trang sử về thời kỳ tham gia quân tình nguyện, giúp đỡ Campuchia trên Mặt trận 779. Ảnh: TTXVN
Đại tá Hà Xuân Thành (phải) và Trung tá Kiều Quang Thạch giở lại những trang sử về thời kỳ tham gia quân tình nguyện, giúp đỡ Campuchia trên Mặt trận 779. Ảnh: TTXVN

Nhớ về thời gian đó, Trung tá Thiều Quang Thạch bùi ngùi: Sự độc ác của quân Khmer Đỏ, chúng tôi đã được nghe, được biết, nhưng khi trực tiếp sang nước bạn, chứng kiến những tàn tích mà quân Khmer Đỏ đã làm với chính người dân Campuchia khiến chúng tôi kinh sợ.

Chế độ diệt chủng được triển khai trên bình diện cả nước nhưng những địa phương chịu cảnh khổ cực, hành hạ, giết chóc nhiều nhất lại là các tỉnh thuộc Quân khu 2 của Campuchia (địa bàn của Mặt trận 779). Đây là những tỉnh giáp Việt Nam, nhiều người dân tộc và là nơi đóng trú của lực lượng nổi dậy của quân khu miền Đông chống Khmer Đỏ.

Nhận nhiệm vụ giúp bạn xây dựng cơ sở ở xã Srey Ang Kon Oung (huyện Peam Chor, tỉnh Prey Veng) vào tháng 3/1979, Trung tá Thiều Quang Thạch cùng đồng đội xuống xã mới thấy sự tàn bạo của lính Khmer Đỏ. Chúng giết người mỗi ngày, ngày nào cũng có 5-10 người bị giết, có lần chúng giết 27 người. Một lần chúng lùa 1.977 người dân vào khu rừng sát phum sau đó mở loa, đài phát thanh rất to. Sáng hôm sau mới biết tất cả đều bị giết. 

Năm 1970,  xã có hơn 5.000 người mà khi chúng tôi tới chỉ còn 2.000. Thậm chí, bộ đội không dám ăn cá ở những đìa nước ở khu vực đó, dù lúc đó điều kiện lương thực, thực phẩm rất khó khăn, thiếu thốn”, Trung tá Thạch nhớ lại.

Năm 1981, Mặt trận 779 triển khai hoạt động đưa xuống mỗi xã trên địa bàn Quân khu 2 của Campuchia 2 cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam. Với 496 xã, đã có gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sỹ Mặt trận 779 trực tiếp xuống các xã của Campuchia, cùng ăn, cùng ở, giúp cán bộ Campuchia, giúp dân cứu đói, chữa bệnh…

Theo Trung tá Thiều Quang Thạch, thời điểm đó, lực lượng Pol Pot mới “rã”, vẫn còn lén lút hoạt động chống phá, lẫn lộn với dân, chính quyền bạn còn yếu trong khi đường xá khó khăn, các điểm xã ở xa khu vực đơn vị ta đóng quân, thậm chí có nơi cách cả 2-3 ngày đường.

Trong bối cảnh đầy hiểm nguy đó, các cán bộ, chiến sỹ khi nhận nhiệm vụ đều xác định phải “bám bạn, bám dân để hoàn thành nhiệm vụ”. Nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc, bảo vệ của người dân Campuchia mà đến tận ngày rút quân về nước, tất cả các cán bộ, chiến sỹ biệt phái đều trở về bình an”, Trung tá Thạch kể.
Nhân dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. Ảnh: TTXVN
Nhân dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ một kỷ niệm khó quên về tình cảm người dân Campuchia đối với bộ đội Việt Nam, Trung tá Thạch kể: Vào năm 1989, trước khi rút quân về nước vài ngày, tôi xuống Tiểu đoàn 1 (trực thuộc Mặt trận 779) để hoàn tất công tác rút quân về nước. Tiểu đoàn trưởng là Lê Phương (sau này làm Trưởng ban Nội chính tỉnh Long An) báo cáo người dân địa phương đang chuẩn bị làm lễ cưới cho một chiến sỹ trong đơn vị với một cô gái người Khmer ở địa phương. Tôi rất ngạc nhiên, bởi người dân địa phương biết bộ đội Việt Nam sắp trở về nước, thậm chí đã làm lễ liên hoan chia tay cho bộ đội. Vậy mà gia đình cô dâu vẫn cho làm đám cưới và sẵn sàng chấp nhận theo quyết định của “con rể bộ đội Việt Nam”.

Trong 10 năm từ 1979 - 1989, cán bộ, chiến sỹ Quân khu 7 làm nhiệm vụ tại Mặt trận 779, 479 và 7708 đã hy sinh 10.257 chiến sỹ, 18.958 bị thương. Gắn bó với chiến trường Campuchia gần như trọn vẹn cả khoảng thời gian đó, Đại tá Hà Xuân Thành (nguyên Trưởng ban cán bộ Sư 476 công binh) chia sẻ: với những chiến sĩ tình nguyện của Việt Nam, kỷ niệm không quên đó là những hình ảnh trong ngày bộ đội rút quân về nước, bà con người Campuchia đủ cả già, trẻ, trai, gái, trẻ con đứng dọc những con lộ để tiễn biệt bộ đội Việt Nam.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Sen, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, chúng ta đã thể hiện tinh thần quốc tế cao cả. Giai đoạn 1975 - 1979, quân Khmer Đỏ đã tàn sát đến 2 triệu người dân Campuchia, tấn công tàn sát nhân dân ta ở biên giới. Kết quả các phiên tòa án quốc tế xét xử lãnh đạo Khmer Đỏ sau này cũng đã khẳng định hành động tự vệ và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam là trong sáng, cao cả và kịp thời.

Tại lễ khánh thành nhà truyền thống Sở Chỉ huy Mặt trận 779 (Quân khu 7) được xây dựng tại xã Chirou Ti Pir (trước là xã Chhup), huyện Tbong Khmum, tỉnh Tbong Khmum ngày 5/8/2017, Trung tướng Inse Dara, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 21, Quân khu 2, Campuchia cho biết, nếu nhớ lại ngày 07/1/1979 thì không được quên công lao to lớn của quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng dưới chế độ Khmer Đỏ. Theo Trung tướng Inse Dara, quân tình nguyện Việt Nam không chỉ giúp lật đổ chế độ Khmer Đỏ mà còn giúp nhân dân Campuchia ngăn chặn chế độ đen tối đó quay trở lại.
Ngày 4/1/2019, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979 - 7/1/2019), Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Tư lệnh Quân khu I do Đại tướng Houth Chheang - Phó Tư lệnh Lục quân kiêm Tư lệnh Quân khu I, Quân đội Hoàng gia Campuchia làm Trưởng đoàn và lãnh đạo 3 tỉnh Rattanakiri, Strung Treng, Muldulkiri - Vương quốc Campuchia đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Trong ảnh: Các đại biểu thắp hương tại lễ viếng. Ảnh: TTXVN
Ngày 4/1/2019, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979 - 7/1/2019), Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Tư lệnh Quân khu I do Đại tướng Houth Chheang - Phó Tư lệnh Lục quân kiêm Tư lệnh Quân khu I, Quân đội Hoàng gia Campuchia làm Trưởng đoàn và lãnh đạo 3 tỉnh Rattanakiri, Strung Treng, Muldulkiri - Vương quốc Campuchia đến viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Trong ảnh: Các đại biểu thắp hương tại lễ viếng. Ảnh: TTXVN

Đại tướng Choeun Sovanatha, Phó Tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Quân khu 2 (Quân đội Hoàng gia Campuchia) khẳng định: Nếu không có ngày 07/1/1979 thì không có có ngày hôm nay, đó là minh chứng lịch sử, một sự thật không thể phủ nhận. Chính vì vậy, sĩ quan, binh sỹ Quân khu 2 nguyện tiếp tục củng cố tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia ngày càng vững chắc; kiên quyết chống lại những luận điệu, âm mưu chia rẽ, phân biệt sắc tộc của các thế lực thù địch; góp phần củng cố, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia trở thành biên giới hòa bình cùng phát triển, đoàn kết nội bộ với nhân dân, đập tan mọi âm mưu gây tổn hại đến nhân dân hai nước.
TTXVN
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm