Tháng cao điểm vì người nghèo: Giảm nghèo, chủ trương giàu tính nhân văn

 Tháng cao điểm vì người nghèo: Giảm nghèo, chủ trương giàu tính nhân văn
Nhắn tin ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
 Nhắn tin ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Xác định giảm nghèo, vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu Ngay từ khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giải quyết nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong 6 nhiệm vụ Chính phủ phải giải quyết. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Đảng, Nhà nước vẫn đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo. Chính phủ hiện đang tiến hành song song hai chương trình mục tiêu quan trọng: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020. Chương trình này nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin. Cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo từ nguồn lực hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, của cộng đồng, các doanh nghiệp, các địa phương, cả nước đã thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo mà Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm. Số liệu từ Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn khoảng 5,35%, giảm 1,35% so với cuối năm 2017. Trong năm 2019, cả nước tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 -2020. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo được cải thiện rõ rệt, đời sống người nghèo được cải thiện, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên. Đặc biệt, 12 tỉnh đã giảm được trên 4.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trong một năm bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Trà Vinh và Sóc Trăng. Trong đó, Sóc Trăng và Trà Vinh -  hai  địa phương có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất vùng Tây Nam Bộ và Hà Giang, Tuyên Quang - từng là những vùng rất khó khăn đã có cách làm hiệu quả giúp người dân giảm nghèo. Chung tay với Đảng, Nhà nước trong xoá đói giảm nghèo, theo số liệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, trong 9 năm qua, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ người nghèo trên 50.000 tỷ đồng để giúp đỡ họ khắc phục khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.  Cùn với đó, nhiều doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã hỗ trợ rất nhiều mà chưa thống kê được. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, cả nước đã sửa chữa, xây mới 1,5 triệu nhà đại đoàn kết và giúp hàng triệu người thoát nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông và các dịch vụ cơ bản khác. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây,  cả nước đã có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 200 xã thoát khỏi khó khăn, nhiều xã trở thành xã nông thôn mới hay thôn, bản nông thôn mới. Dự kiến, đến cuối năm 2019, khoảng 20 huyện nghèo sẽ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; khoảng 90 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã chuẩn bị kết thúc, từ nay đến 2020, phải tập trung vào việc đề xuất, thiết kế Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021-2025, xây dựng các tiêu chí để xác định đối tượng hộ nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, theo hướng hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, hỗ trợ tạo điều kiện để thoát nghèo bền vững.Những điểm sáng trong giảm nghèo bền vững Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình vươn lên như tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã trở thành “điểm sáng” trong cả nước, điều đặc biệt là được hình thành mang tính “tiền phong, lan tỏa” ở với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Chẽ, Bình Liêu (Quảng Ninh), Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An)… Điều này chứng tỏ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã thực sự phát huy tác dụng, có hiệu quả, là điểm tựa để khơi dậy ý chí vươn lên của chính người nghèo. Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm đầu tư, thực hiện. Tỉnh đã thực hiện các chương trình giảm nghèo như: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo 30a, đầu tư về cơ sở hạ tầng hơn 110 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ giảm nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg gần 30 tỷ đồng; chương trình 135 hơn 150 tỷ đồng... Ngoài ra còn có các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 135; chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới ... Nhờ vậy, các chương trình xóa đói giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong năm 2018 toàn tỉnh đã có hơn 3.800 hộ thoát nghèo. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện đăng ký cam kết vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các cấp và các ngành tiếp tục rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện trên địa bàn tỉnh để xác định những chính sách phù hợp. Qua đó, đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, khuyến khích thoát nghèo để người dân khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho việc triển khai các chính sách giảm nghèo. Đặc biệt phải nắm được nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách, nhất là hộ bà con dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã và đang từng bước thoát nghèo bền vững. Nguồn vốn đã giúp cho các đối tượng thuộc diện vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn vùng biên. Tại xã biên giới Bù Gia Mập (huyên Bù Gia Mập), địa phương có tổng dân số toàn xã 1.579 hộ; trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73%. Số tiền của Ngân hàng Chính sách đến nay đã tạo nên đòn bẩy phát triển kinh tế, mang niềm vui cho nhiều hộ gia đình khi có cuộc sống ổn định hơn. Từ nguồn vốn đó, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vào cây điều, hồ tiêu, cà phê, nuôi bò, trâu… mang lại hiệu quả hơn trước. Đa số các hộ vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,… đều sử dụng vào mục đích để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây, mua giống, phân bón. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, các phong trào phát triển sản xuất của hộ gia đình không ngừng lan rộng. Nhờ đó, đã có nhiều hộ ở Bù Gia Mập không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như mô hình nuôi trâu, bò sinh sản, trồng điều, hồ tiêu. Thống kê của xã Bù Gia Mập cho thấy, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người đạt 24,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2017 và tăng 0,8 triệu đồng so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã đề ra. Đây là tín hiệu đáng mừng vì nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết vận dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Để thay đổi tư duy sản xuất cũng như nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số trên địa bàn, chính quyền tỉnh Gia Lai đang hướng người dân thực hiện những mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất khép kín cho năng suất, sản lượng cây trồng cao hơn. Đầu năm 2018, huyện Kbang có khoảng 2.700 hộ nghèo, đa số là người dân tộc Bahnar. Cuối năm 2018, toàn huyện giảm hơn 900 hộ nghèo, trong đó hộ dân tộc thiểu số giảm gần 100 hộ. Riêng đối với xã Kông Lơng Khơng, có khoảng 60 hộ thoát nghèo, đa phần là đồng bào dân tộc Bahnar. Để giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo, ngoài việc hỗ trợ người dân từ nhiều nguồn kinh phí, chính quyền chủ yếu tập trung giúp người dân thay đổi phương thức, tập quán canh tác và tư duy trong sản xuất để họ tự chủ động vươn lên thoát nghèo. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các loại cây trồng góp phần đảm bảo đời sống cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang được chính quyền địa phương chú trọng. Thông qua mô hình làm cánh đồng mía mẫu lớn, đồng bào dân tộc Bahnar từng bước chuyển mình trong tư duy sản xuất, qua đó nâng cao dân trí, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế địa phương. Với sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng, Quốc hội, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn thành xuất sắc .
Nguyễn Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm