Thái Bình tháo gỡ khó khăn trong đấu nối nước sạch nông thôn

Thái Bình tháo gỡ khó khăn trong đấu nối nước sạch nông thôn
Người dân xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương (Thái Bình) phấn khởi khi được sử dụng nước sạch. Ảnh: baothaibinh.com.vn
Người dân xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương (Thái Bình) phấn khởi khi được sử dụng nước sạch. Ảnh: baothaibinh.com.vn

Đến nay, tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước sạch bình quân trên địa bàn đạt 64,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương, nhiều nơi tỷ lệ này mới đạt dưới 30%... 

Giải quyết những vướng mắc này, UBND tỉnh Thái Bình mới đây đã tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong đấu nối nước sạch nông thôn, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và 25 xã có tỷ lệ đấu nối thấp. 

Người dân còn chưa mặn mà với nước sạch nông thôn 

Với mục tiêu đưa nước sạch đến các vùng nông thôn, tỉnh Thái Bình đã sớm ban hành những quyết định mang tính đột phá trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn như cam kết hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất tiền vay, hỗ trợ nhà đầu tư dự án khi hoàn thành khối lượng công trình tối thiểu 50% tổng mức đầu tư, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động…. 

Với chính sách thu hút này, nhà nước, doanh nghiệp và người dân bắt tay cùng làm, trong đó vai trò của nhà nước quản lý về quy hoạch chung, quản lý chất lượng nước, quy định về giá và hệ thống cơ chế chính sách dẫn đường cho doanh nghiệp hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người dân. Doanh nghiệp là nhà đầu tư, cung cấp nước sạch và người dân đóng góp để sử dụng nước sạch chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, vệ sinh. 

 Sau khi ban hành những cơ chế ưu đãi, tỉnh Thái Bình đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình, trên địa bàn hiện có 30 dự án cấp nước sạch nông thôn được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Năm 2016, các doanh nghiệp nước sạch đã phủ kín mạng lưới, hoàn thành cung cấp đường ống nước sạch đến trung tâm xã. Đây là bước đi dài có tính đột phá trong lộ trình đưa nước sạch về nông thôn của tỉnh Thái Bình. 

Đến nay, tỷ lệ trung bình hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch trên địa bàn đạt 64,6%, trong đó có 19 dự án có tỷ lệ đấu nối từ 60% trở lên. Các địa phương có tỷ lệ hộ dân đấu nối nước sạch cao như thành phố Thái Bình 94,8%, huyện Vũ Thư 94,6%, huyện Kiến Xương 76,2%, huyện Tiền Hải 63,3%. 

Mặc dù nước sạch đến tận trung tâm xã, nhưng nhiều nơi người dân vẫn chưa mặn mà với việc đấu nối vào đường ống, dẫn nước sạch về hộ gia đình sử dụng. Vô hình chung dẫn đến doanh nghiệp đầu tư tiền tỷ vào công trình cấp nước sạch nhưng chưa thể kinh doanh hiệu quả, trong khi đó người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan, nước mưa, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. 

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình, hiện có 11 dự án tỷ lệ đấu nối dưới 60%, trong đó có 25 xã có tỷ lệ đấu nối dưới 30%, cá biệt có dự án mới chỉ đạt tỷ lệ đấu nối 4,3% như Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mặt cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân 17 xã thuộc huyện Hưng Hà, của Công ty cổ phần nước sạch Hưng Hà. 

Các dự án từ nguồn vốn WB và Chương trình mục tiêu Quốc gia chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý có tỷ lệ đấu nối đạt 52% trở lên, riêng trạm cấp nước xã An Mỹ, Quỳnh Phụ của Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Mỹ Hưng mới đạt khoảng 15%. 

Hướng đến mục tiêu đưa nước sạch về nông thôn 

Tỉnh Thái Bình phấn đấu hết năm 2017, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn đạt từ 65% trở lên.  Vì vậy, đây là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương nhất là các xã, huyện tỷ lệ đấu nối hiện còn thấp. 

Đại diện các xã có tỷ lệ đấu nối nước sạch thấp đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân chưa đấu nối, sử dụng nước sạch từ các nhà máy cung cấp nước. Xã Quỳnh Châu (huyện Quỳnh Phụ) có 850 hộ dân nhưng đến nay chỉ có 104 hộ lắp đặt đồng hồ nước, tỷ lệ đấu nối đạt 12,2%. Ông Lưu Xuân Huân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu cho biết, sở dĩ người dân vẫn chưa mặn mà với nước sạch nông thôn là do thói quen tận dụng, sử dụng nguồn nước ngầm sẵn có. 

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về nước sạch nông thôn của chính quyền cơ sở chưa được bài bản, hệ thống và toàn diện. Đây cũng là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra. 

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cho biết, nước ngầm của Thái Bình hiện không sử dụng được, nhiễm mặn và có nhiều kim loại nặng, nguy hại cho sức khỏe. Nếu người dân tiếp tục sử dụng, về lâu dài dễ gây các loại bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh ung thư. 

Mặt khác, theo Luật Tài nguyên nước, mọi hoạt động khai thác nước ngầm đều phải được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, tuy nhiên thực tế hiện nay người dân vẫn đang sử dụng tự khoan một cách tùy tiện. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, quyết tâm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại tất cả các địa phương trên địa bàn. 

Cụ thể, đến ngày 31/12/2017, các dự án đã hoàn thành đường ống cấp 1 phải đạt tỷ lệ đấu nối trên 80%, các dự án đang trong quá trình hoàn thiện, mở rộng quy mô phải đẩy nhanh tiến độ xây lắp và phải đạt tỷ lệ đấu nối 65%. 

Sau mốc thời gian này, các doanh nghiệp chậm tiến độ sẽ bị tỉnh xem xét điều chỉnh mạng lưới, thậm chí rút giấy chứng nhận đầu tư căn cứ vào mức độ vi phạm. 

Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền đến từng hộ dân về chương trình nước sạch nông thôn, đồng thời tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định vận hành an toàn, bảo đảm cung cấp nguồn nước chất lượng cho người dân. 

Đối với chính quyền cơ sở, sớm thực hiện nguyên tắc công khai 5 nội dung như công nghệ xử lý nước sạch, quá trình vận hành, cung cấp nước sạch, công bố các kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước và công khai về giá nước tại trụ sở UBND xã để người dân nắm bắt. 

Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh sẽ thực hiện thanh tra công vụ đối với những tập thể, cá nhân tại những địa phương có tỷ lệ đấu nối thấp trong thời gian tới.
Thu Hoài 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm