Tạo liên kết vùng khu vực Tây Bắc thu hút đầu tư và hội nhập

Tạo liên kết vùng khu vực Tây Bắc thu hút đầu tư và hội nhập
Ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN
Ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Tưởng-TTXVN

Tây Bắc là địa bàn tiềm năng, nhiều thế mạnh phát triển các lĩnh vực như: thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, thương mại dịch vụ, du lịch, kinh tế nông lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản... Đây còn là khu vực có vai trò quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại nên được Đảng và Nhà nước dành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển.

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết: mỗi địa phương trong khu vực Tây Bắc đều có tiềm năng, thế mạnh riêng nhưng do thiếu sự liên kết nên không tạo được chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt là những sản phẩm mang tính thế mạnh chung của cả vùng như cây chè, mặt hàng gạo, nông - lâm sản... Liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp thuận lợi tiêu thụ hàng hóa, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, có cơ hội tiếp cận văn minh thương mại, hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Phan Văn Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc đề xuất 8 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc và nhấn mạnh, khu vực này cần xác định lĩnh vực ưu tiên phát triển, từ đó huy động và sử dụng vốn đầu tư hợp lý. Đồng thời, Tây Bắc cần tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng khoa học về công nghệ, thực hiện cải cách hành chính; đặc biệt, chú trọng tăng cường hợp tác và phát triển thị trường, tạo liên kết và phát huy thế mạnh liên kết vùng trong phát triển kinh tế.

Hội thảo có đóng góp của nhiều địa phương, doanh nghiệp trong vùng Tây Bắc để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thực trạng sản xuất, phát triển hàng hóa của từng nơi; chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa; đưa ra kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong thời kỳ hội nhập.

Để tháo gỡ, chia sẻ những vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp, nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đã thông tin thêm về chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh biên giới và miền núi phía Bắc.

Nhằm hỗ trợ Tây Bắc phát triển hàng hóa, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Tây Bắc. Mục tiêu đặt ra là kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tại các địa phương Tây Bắc.
Đức Tưởng

Có thể bạn quan tâm