Tăng tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số

Tăng tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số

Thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, trong 615 tổ chức cơ sở Đảng của tỉnh tổ chức đại hội, đã bầu được 3.639 cấp ủy viên. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy tại cơ sở đạt gần 12%.

Ông Nguyễn Hồng Nhạn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Tân Hưng, huyện Long Phú, cho biết xã có hơn 62% là người dân tộc Khơ me, Hoa, Chăm. Ban Chấp hành khóa mới 15 người, có 4 nữ, 3 người dân tộc Khơ me. Lãnh đạo chủ chốt Ủy ban nhân dân, Đảng ủy xã có 2 người dân tộc thiểu số.

Tăng tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số ảnh 1

Đại hội Đảng bộ xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Sa Oanh

 

Tỉnh Trà Vinh, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 30% dân số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị về công tác phát triển đảng nói chung, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số nói riêng, từ đó mỗi cấp ủy đảng đều coi công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên của mình.  

Ngày tái lập tỉnh năm 1992, tỷ lệ đảng viên người Khmer chỉ chiếm 6,56%, thì đến cuối năm ngoái, tỷ lệ này tăng lên 16,2% và phấn đấu đến cuối năm nay đạt 20%. Ông Trần Văn Ná, Phó bí thư Huyện ủy Trà Cú, địa phương có gần 43% đảng viên là người dân tộc Khmer, cho biết:

- Huyện hàng năm xây dựng kế hoạch, giao các chỉ tiêu cho các xã, thị trấn. Trong quá trình chọn nguồn, không phải một năm mà chọn dài hạn, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, nữ, đặc biệt là cán bộ dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá tại Đại hội Đảng bộ, Chi bộ cơ sở trong toàn Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh, ngày càng có nhiều đảng viên là người dân tộc Khmer vào cấp ủy.

Ông Thạch Thal, Bí thư Đảng ủy huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cho biết huyện có 3 xã là Tân Hưng, Long Phú, Trường Khánh và  thị trấn Long Phú là có đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống, thuận lợi cho việc quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí nhân sự là người dân tộc thiểu số tham gia vào cấp ủy. 

Hiện nay, Tỉnh ủy Trà Vinh, Tỉnh ủy Sóc Trăng đang tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về “Tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào Khơ me”. Trong đó xác định xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm