Tăng cường quản lý chất lượng giáo dục Mầm non ngoài công lập

Tăng cường quản lý chất lượng giáo dục Mầm non ngoài công lập
“Gánh” hơn nửa số trẻ
Ở nhiều quận trên địa bàn thành phố, nhất là những quận tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập đang “gánh” hơn nửa số trẻ trên địa bàn. Điển hình, quận Bình Tân có 70% trẻ học ở cơ sở ngoài công lập; Quận 12 có đến 77% trẻ học tại cơ sở Mầm non ngoài công lập...
 
Số lượng nhóm lớp Mầm non ngoài công lập phát triển nhanh khiến các quận gặp khó khăn trong quản lý. Qua giám sát về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục Mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ hộ gia đình, Đoàn giám sát của Ủy ban ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận nhiều cơ sở, nhất là nhóm trẻ hộ gia đình không đảm bảo điều kiện về phòng ốc, an toàn thực phẩm, y tế…
Giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực về chỗ học cho trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực về chỗ học cho trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
 
Bình Tân là một trong những quận đông dân nhất thành phố và đang phải đối diện với áp lực về gia tăng dân số. Đây cũng là địa phương Đoàn giám sát của MTTQ ghi nhận nhiều nhóm trẻ hộ gia đình chưa đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động.
 
Nhìn nhận thực tế này, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, tốc độ tăng dân số trên địa bàn qua các năm đều tăng cao, kéo theo nhu cầu gửi trẻ của người dân ngày càng lớn, trong khi đó các trường Mầm non công lập không kịp đáp ứng. Vì vậy, mặc dù một số nhóm lớp Mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ gia đình chưa đảm bảo điều kiện nhưng vẫn phải để các cơ sở này tồn tại, đây được xem là giải pháp tình thế đáp ứng nhu cầu thực tế.
 
Theo ông Đỗ Đình Thiện, để cải thiện, nâng chất lượng hoạt động của các cơ sở Mầm non ngoài công lập, quận đã tăng cường quản lý và có giải pháp hỗ trợ thiết thực; trong đó thường xuyên tập huấn kỹ năng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho người trông trẻ. Đặc biệt, quận chỉ đạo các phường thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý. Về lâu dài, quận sẽ xóa dần các nhóm, lớp trẻ gia đình, khuyến khích phát triển lên thành trường.
 
Cần siết chặt quản lý
Các cơ sở Mầm non ngoài công lập góp phần rất lớn trong việc giảm gánh nặng chăm sóc trẻ cho trường công lập. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ xảy ra ở một số cơ sở Mầm non ngoài công lập, đặc biệt là nhóm, lớp trẻ, đặt ra yêu cầu công tác quản lý phải chặt chẽ hơn.
 
Tại Quận 12, hiện có 308 cơ sở giáo dục Mầm non, trong đó cơ sở ngoài công lập chiếm 77% tổng số trẻ trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu nuôi dạy trẻ ở địa phương. Công tác quản lý đối với cơ sở Mầm non ngoài công tập được quận tăng cường, siết chặt và kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm.
Một cơ sở giữ trẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Một cơ sở giữ trẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
 
Qua kiểm tra, từ tháng 11/2017 đến nay, địa phương đã đình chỉ hoạt động một trường và 6 lớp mầm non ngoài công lập chưa đạt yêu cầu về sơ sở vật chất, thiếu giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, cấp dưỡng; giải thể 3 lớp và 11 nhóm, lớp tự giải thể do không đảm bảo điều kiện tiếp tục hoạt động; xử phạt vi phạm hành chính 40 nhóm lớp nhận giữ số lượng trẻ vượt quá quy định, giữ trẻ không đúng loại hình cấp phép hoạt động hoặc không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Nói về những khó khăn trong công tác quản lý giáo dục Mầm non ngoài công lập, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 12 cho biết, số cơ sở Mầm non ngoài công lập tăng nhanh, trong khi nhân sự chuyên môn tại Phòng quá ít, khó có thể đảm đương hết từ việc hỗ trợ chuyên môn, kiểm tra, quản lý các nhóm lớp Mầm non ngoài công lập.

Trong khi đó, một trong những hạn chế lớn của các cơ sở Mầm non ngoài công lập làm giảm chất lượng nuôi dạy trẻ là đa số những cơ sở có mặt bằng hoạt động là thuê mướn, việc cải tạo cơ sở vật chất theo yêu cầu chuyên môn rất khó. Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên, nhân viên chưa đáp ứng, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
 
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều quận, huyện khác trên địa bàn. Hơn nữa, theo phản ánh của nhiều địa phương, quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục yêu cầu việc thành lập trường Mẫu giáo, Mầm non, Nhà trẻ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương. Tức là, khi xin phép thành lập trường Mầm non trong khu dân cư, chủ đầu tư phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở sang đất giáo dục, điều này khiến các chủ đầu tư “ngại”. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển giáo dục Mầm non ngoài công lập, thành phố cần gỡ khó trong quy định này.
 
Qua công tác giám sát hoạt động giáo dục Mầm non ngoài công lập trên địa bàn, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các quận, huyện cần tăng cường hơn nữa công tác rà soát, quản lý hoạt động các cơ sở Mầm non ngoài công lập, đặc biệt nhóm, lớp có quy mô nhỏ. Những cơ sở không đủ điều kiện cần có biện pháp xử lý phù hợp, nếu đủ điều kiện sẽ cấp phép nhằm đảm bảo chất lượng…
 
Theo kế hoạch, thành phố khuyến khích từ nay đến hết năm 2020, tăng tỷ lệ trường Mầm non ngoài công lập đủ điều kiện đạt trên 50% tổng cơ sở Mầm non trên địa bàn; đồng thời giảm tỷ lệ nhóm, lớp trẻ ngoài công lập xuống dưới 10%.
 
Thực hiện kế hoạch này, một mặt các địa phương đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, mặt khác cũng đặt ra yêu cầu tăng cường công tác quản lý, nâng chất giáo dục Mầm non ngoài công lập, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ trên địa bàn./.
  T.Hoài
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm