Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu

Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu
Hội thảo Quốc tế “Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu". Ảnh: Công Mạo-TTXVN.
Hội thảo Quốc tế “Tăng cường nguồn lực hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu". Ảnh: Công Mạo-TTXVN.
Gần 200 đại biểu tham dự hội nghị gồm đại diện của một số bộ, ban, ngành liên quan và các đại biểu đến từ các sở, ban ngành của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức hợp tác quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Hội nghị được tổ chức với sự hỗ trợ của Tổ chức Bánh Mỳ cho thế giới (BfdW), Tổ chức ActionAid (AAV) thông qua Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Tổ chức World Wide Fund for Nature (WWF). Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong nêu rõ: Biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia. Tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề như sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn và sụt lún. Việc huy động nguồn lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước không đủ, cần huy động nguồn lực khác trong xã hội, đặc biệt từ bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức hợp tác quốc tế… Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn cho rằng, kế hoạch triển khai tầm nhìn cho Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2100 để khu vực này phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng cần được xây dựng, thực hiện trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến; nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp… Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng cần được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Thảo luận về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ cho biết, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng được năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu với sự tham gia của cộng đồng cùng các cơ quan trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, đầu tư sinh kế nông thôn bền vững qua việc cung ứng các phương tiện tài chính và thiết bị để nâng cấp kết quả nghiên cứu, phát triển dựa vào cộng đồng ở lĩnh vực này. Ông Lê Anh Tuấn đề xuất thời gian tới cần tư liệu hóa các mô hình sản xuất trên các hệ sinh thái khác nhau; chia sẻ, nhân rộng các mô hình canh tác thành công; đánh giá nguyên nhân, hạn chế của các loại hình sản xuất chưa phù hợp, ít khả thi… Ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV) bày tỏ hy vọng các dự án của Quỹ với mục tiêu cải thiện cuộc sống cho người dân, đặc biệt là phụ nữ tại các vùng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đóng góp kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai dựa vào cộng đồng và cơ chế điều phối hợp bền vững giữa các bên.
Vương Thoại Trung

Có thể bạn quan tâm