Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Bình Phước

Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Bình Phước
Ban giám hiệu trường Trịnh Hoài Đức đến tận nhà vận động các em học sinh dân tộc thiểu tại thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng đến trường. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Ban giám hiệu trường Trịnh Hoài Đức đến tận nhà vận động các em học sinh dân tộc thiểu tại thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng đến trường. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Trước tình hình trên, Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, thuộc xã Nghĩa Bình đã vận động, tuyên truyền cho các bậc phụ huynh đưa con em đến trường tham gia lớp học Chương trình tăng cường tiếng Việt dành cho các em ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Hè năm nay, Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức đã thu hút 110 học sinh đến học, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Gia đình chị Trương Thị Hiền, dân tộc Tày ở ấp Bình Hòa thuộc diện khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nghề cạo mủ cao su thuê nên không có thời gian chăm lo cho con cái. Chị Hiền tâm sự: “Gia đình tôi có 2 đứa con, con đầu năm nay vào lớp 4, còn con gái út Mai Trương Phương năm nay vào lớp 1. Dù công việc bận rộn, nhưng từ khi được thầy cô Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức, Hội cha mẹ học sinh vận động nên tôi hiểu được sự cần thiết học lớp này. Từ đó gia đình tôi không ngại đường sá xa xôi đưa con đi học”.

Anh Nguyễn Thanh Luật, dân tộc Tày ở ấp Bình Hòa, có con gái thứ 3 năm nay chuẩn bị vào lớp 1, dù công việc vất vả nhưng anh vẫn đảm bảo thời gian đưa đón con đi học lớp tăng cường tiếng Việt. Anh Luật chia sẻ: “Từ ngày đi học, nhờ thầy cô chỉ dạy, tiếp xúc nhiều bạn mới nên cháu không e dè, thụ động như trước nữa. Việc giao tiếp nói bằng tiếng Việt ngày càng rõ ràng hơn trước”.

Còn ông Điểu Tôn, sóc 29, thôn Bình Lợi cho biết: “Công việc nương rẫy nhà tôi bận lắm, nhưng khi nghe có lớp học tăng cường tiếng Việt tôi đã dành thời gian đưa đón con đến lớp. Trước kia Điểu Hùng (con trai Điểu Tôn) rất nhút nhát, nhưng sau khi được học lớp tăng cường tiếng Việt cháu đã có rất nhiều tiến bộ. Hiện nay cháu đã nghe hiểu và nói tiếng Việt được nhiều hơn”.

Thay mặt Ban giám hiệu trường Trịnh Hoài Đức, ông Nguyễn Phi Long vận động, thăm hỏi các em học sinh sóc 29, thôn Bình Thọ. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Thay mặt Ban giám hiệu trường Trịnh Hoài Đức, ông Nguyễn Phi Long vận động, thăm hỏi các em học sinh sóc 29, thôn Bình Thọ. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Trước số lượng các con em là người đồng bào dân tộc thiểu số được gia đình quan tâm đưa đến lớp tăng cường tiếng Việt khiến nhiều giáo viên trong trường rất mừng. Việc tiếp cận tiếng Việt sớm sẽ giúp các em không lạ lẫm, có khoảng cách với các em đồng lứa khác dân tộc khi vào học chính thức lớp 1. Ông Nguyễn Phi Long, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức cho biết: “Ở đây các em đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết gặp khó khăn về vấn đề tiếng Việt trước khi các em vào lớp 1. Qua chương trình tăng cường tiếng Việt của ngành giáo dục trong 6 tuần, các giáo viên trong trường đã trực tiếp đi vận động, tuyên truyền cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức được sự cần thiết tăng cường tiếng Việt trước khi vào học lớp 1. Từ đó, phụ huynh rất tâm đắc chương trình và đã tự giác đưa con em đến trường học đầy đủ hơn. Đến nay các em đi học đã nhiều tiến bộ từ giao tiếp đến viết chữ”.

Ngoài ra, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh cũng góp phần không nhỏ giúp phụ huynh nâng cao nhận thức và đưa con em đến lớp học tiếng Việt . Ông Phạm Thế Văn, Phó Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh cho biết: “Từ khi có chủ trương của nhà trường, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh đã phối hợp với nhà trường vận động các hộ gia đình đưa con đến lớp học tăng cường tiếng Việt. Bởi nhiều em học sinh dân tộc thiểu số mới vào lớp 1 chủ yếu nói bằng tiếng mẹ đẻ, viết chữ chưa thành thạo nên tiếp thu sẽ chậm hơn con em dân tộc Kinh”.

Có thể nói, trường Trường tểu học Trịnh Hoài Đức đã góp phần giúp các bậc phụ huynh người đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Đây còn là bước đà thuận lợi cho các em học sinh dân tộc thiểu số không còn lạ lẫm và theo kịp chương trình học tập của năm học mới sắp tới.
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm