Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với kinh tế tập thể

Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với kinh tế tập thể
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự và phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự và phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN
Đến dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng với đại diện 23 doanh nghiệp liên kết và hợp tác xã trong khu vực.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012 đến nay đã có sự chuyển biến tích cực về kinh tế hợp tác xã (HTX) theo kiểu mới, mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, việc phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng; liên kết chủ yếu qua thương lái nên giá trị thấp; số lượng HTX thành lập mới còn ít, phân bổ chưa đồng đều chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quãng Ngãi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn phát triển kinh tế HTX cần nâng cao công tác tuyên truyền về vị trí vai trò của HTX trong cán bộ, đảng viên; chú trọng vấn đề “tam nông”, việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải gắn với kinh tế tập thể, mô hình HTX và nông thôn mới.

Bên cạnh đó, phải chú trọng liên kết tiêu thụ nông sản; giải quyết tạo điều kiện về vốn, đất sản xuất và tín dụng. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, tập huấn cho cán bộ HTX, cán bộ tín dụng. Ngoài ra, tập trung giải quyết tồn đọng trong chuyển đổi HTX kiểu mới (trong vùng còn 45 HTX chưa chuyển đổi); tiến hành giải thể các HTX đang hoạt động (208 HTX) để nhường chỗ cho HTX kiểu mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX, tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên là vùng có điều kiện khí hậu, địa hình và đất đai rộng và phù hợp với việc phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa, bò sữa, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Theo Thứ trường Trần Văn Nam, sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành và có hiệu lực, tình hình phát triển HTX nông nghiệp trong vùng đã có sự chuyển đổi thích ứng với tình hình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng HTX trong vùng ít, tăng bình quân trong năm không nhiều nên việc tổ chức sản xuất ở khu vực này chủ yếu là các hộ nông dân nhỏ lẻ và sản xuất theo mô hình trang trại dẫn đến việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở khu vực này vẫn còn nhiều khó khăn. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến thời điểm này cả vùng có 1.272 HTX nông nghiệp chiếm 11,8% tổng số HTX trong cả nước. Số lượng thành viên của HTX nông nghiệp ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên hiện có khoảng 731.000 thành viên, giảm 367.000 thành viên sau khi đăng ký lại. Số thành viên bình quân là 575 thành viên/HTX.

Các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ có số lượng thành viên cao hơn vùng Tây Nguyên. Hầu hết các HTX ở khu vực  này hoạt động chủ yếu là phục vụ thành viên các dịch vụ thiết yếu, ít tham gia liên kết doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nông sản chủ yếu thông qua các thương lái nên không ổn định. Một số HTX có vốn, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị thì hiệu quả hoạt động cao như HTX nông nghiệp I Điện Phước Quảng Nam, HTX nông nghiệp Phước Hưng Bình Định...

Trong khi đó, tại Tây Nguyên có số lượng thành viên phù hợp, hoạt động chủ yếu tập trung vào các chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, số lượng HTX chưa nhiều nhưng lại có quy mô sản xuất lớn. Tỷ lệ HTX có liên kết với doanh nghiệp là 22% (cao hơn khu vực Duyên hải nam Trung bộ); trong đó, có 11,6 số HTX nông nghiệp thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trong sản xuất; 9% số HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất.

Nhiều HTX được doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, đầu tư cơ sở vật chất và tiêu thụ nông sản xuất khẩu nên hoạt động tương đối ổn định đối với các sản phẩm như rau, quả, điều, hồ tiêu...Điển hình  như HTX Dịch vụ tổng hợp Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng), 15 HTX liên kết trong hệ thống thương mại công bằng của các doanh nghiệp nước ngoài thu mua nông sản. Đây chính là các mô hình HTX kiểu mới có hiệu quả mang lại lợi ích cao cho thành viên.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đặng Tuấn- TXVN
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đặng Tuấn- TXVN

Nhiều đại biểu đã nêu lên những vấn đề tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ khi triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 như: quy định về tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên không quá 20% vốn điều lệ là không phù hợp bởi, quy định này đã không thu hút được nguồn vốn cho hoạt động của HTX. Quy định về tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên HTX không quá 32% là bất cập; hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện Luật. Một số HTX thiếu hệ thống bảo quản sau thu hoạch năng lực quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu...

Phát biểu đánh giá tại hội nghị ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tỉnh Lâm Đồng có nhiều mô hình HTX hoạt động tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật, hầu hết các doanh nghiệp này đều được cấp chứng nhận Viet GAP, cung cấp các siêu thị lớn trên toàn quốc...

Theo ông Tiến, đông đảo người dân chưa thực sự ủng hộ việc triển khai luật HTX, nên việc phát triển các mô hình này còn gặp khó khăn. Ngoài ra, các HTX vẫn còn gặp khó khăn về vốn, nhân lực, phương tiện kỹ thuật, cơ chế chính sách... 

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, sở dĩ các HTX trong vùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là vì thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương. Do đó, cần rút ra những bài học đối với những tỉnh làm tốt Luật HTX cũng như tổng kết những mô hình yếu kém; chú trọng vấn đề liên kết tiêu thụ, liên kết, đất, vốn và công nghệ./.
Đặng Tuấn

Có thể bạn quan tâm