Sức xuân nơi đầu sóng (Bài 1)

Sức xuân nơi đầu sóng (Bài 1)
Bài 1 - Đón Tết ở Trường Sa

Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết cổ truyền dân tộc, cả nước đang hướng về Trường Sa với tình cảm, trách nhiệm, sự sẻ chia sâu sắc. Nhưng có lẽ những ai có dịp đến tận Trường Sa mới cảm nhận được một cách đầy đủ nhất sự thiêng liêng của một vùng biển đảo quê hương nơi đầu sóng, ngọn gió.

Chậu quất Tết trên đảo

Những ngày này, tại hội trường của đảo Cô Lin, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, xuất hiện một chậu quất cảnh. Để có mặt trên đảo Cô Lin, chậu quất này đã phải trải qua một hành trình dài hàng chục ngày cả bằng đường bộ, đường sắt và cuối cùng là đường biển.

Những chậu quất Tết đã được vận chuyển đến với quân và dân Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN
Những chậu quất Tết đã được vận chuyển đến với quân và dân Trường Sa.
Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN

Cùng chúng tôi đi trên hải trình sóng gió ra Trường Sa dịp này có chị Nguyễn Gia Hân, công tác tại Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) là thành viên của Câu lạc bộ Vì biển đảo quê hương. Gia Hân cùng thành viên của Câu lạc bộ đã rất kỳ công đưa những chậu quất từ làng trồng quất của tỉnh Hưng Yên đến với Trường Sa.

Chị Nguyễn Gia Hân cho biết: Trước tiên, những cây quất được người dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cho vào chậu, cùng với đất để có thể sống được trên hành trình dài với thời tiết khắc nghiệt. Sau đó, những cây quất được đưa lên xe ô tô chở đến Ga Hà Nội rồi bốc xếp lên tàu hỏa, chuyển vào Ga Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Từ Ga Nhà Trang, những chậu quất được các thành viên của Câu lạc bộ Vì biển đảo quê hương đưa lên xe ô tô để chở đến Vùng 4 Hải quân, tập kết tại quân cảng Cam Ranh rồi chờ tàu gửi ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Phải mất thêm mấy chục ngày theo tàu lênh đênh trên biển, những chậu quất này mới đến được Trường Sa.

Cán bộ, chiến sỹ đảo Tốc Tan, quần đảo Trường Sa chuyển quất tết lên đảo. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN
Cán bộ, chiến sỹ đảo Tốc Tan, quần đảo Trường Sa chuyển quất tết lên đảo. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật – TTXVN

Để những chậu quất không hư hỏng, chết, gãy đổ cành hoặc chậu bị vỡ dọc đường vận chuyển, cả người tặng quất và người vận chuyển đã phải kỳ công chằng buộc cẩn thận. Nhờ sự cẩn thận của nhiều người, chậu quất đã đến với đảo Cô Lin dù phải trải qua hành trình dài và được cán bộ, chiến sĩ trên đảo đặt ở nơi trang trọng trong hội trường.

Chị Nguyễn Gia Hân xúc động nói, quất Văn Giang, Hưng Yên rất nổi tiếng. Khi nhận được đề nghị của Câu lạc bộ Vì biển đảo quê hương về việc gửi tặng những chậu quất cho Trường Sa, chính quyền địa phương đã rất ủng hộ.

Ở Trường Sa, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lại sống xa đất liền, dịp Tết đến, Xuân về, nếu được nhìn thấy chậu quất cảnh thì thật ý nghĩa. Xuất phát từ suy nghĩ đó, Câu lạc bộ Vì biển đảo quê hương đã trực tiếp liên hệ với huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nơi có các làng trồng quất nổi tiếng để đề xuất và đã được chính quyền địa phương, những hộ trồng quất ủng hộ ngay.

Đại úy Phạm Văn Thao, Đảo trưởng Đảo Cô Lin cho biết, nhìn những chậu quất Tết, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thấy gần hơn với đất liền, thấy được hương vị, không khí Tết đang đến rất gần. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo hiểu được không riêng chậu quất mà những món quà, hàng hóa khác đến với đảo là cả một hành trình dài, gửi gắm cả tình cảm của người tặng vào đó. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo cảm ơn Tổ quốc, đồng bào đất liền luôn có những hành động, việc làm hướng về Trường Sa nói chung và đảo Cô Lin nói riêng, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào.

Không riêng gì đảo Cô Lin, Tết Canh Tý 2020 này hầu như tất cả các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đều có những chậu quất Tết do các làng trồng quất ở các tỉnh phía Bắc gửi tặng. Đó là tình cảm, tấm lòng của những người nông dân ở các làng trồng quất dành cho Trường Sa. Trong số đó có cả những người đang có con, cháu trực tiếp sống, làm việc trên quần đảo Trường Sa, Tết này vì nhiệm vụ không thể về chung vui, đón Xuân với gia đình. Họ đang làm nhiệm vụ thiêng liêng nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.

Đón Tết không quên nhiệm vụ

Ở đảo Đá Lớn B (quần đảo Trường Sa), công tác chuẩn bị Tết đang được các cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị chu đáo. Như thông lệ hàng năm, đón Tết trên đảo đơn giản, trên bàn thờ, ngoài hương hoa còn được trang hoàng theo đúng phong tục cổ truyền của dân tộc, có mâm ngũ quả, có ảnh Bác Hồ… Trong hội trường còn có chậu quất vừa được gửi từ đất liền theo tàu 561 Hải quân ra đảo. Nhìn chậu quất và mâm ngũ quả, không khí, hương vị Tết cổ truyền như đã đến rất gần.

Là năm thứ hai đón Tết trên đảo, Thượng úy Nguyễn Năng Tĩnh, Chính trị viên đảo Đá Lớn B có những cảm xúc riêng. Rắn rỏi, can trường, không nói nhiều về bản thân, Thượng úy Nguyễn Năng Tĩnh cảm ơn sự quan tâm của đồng bào, chiến sĩ cả nước dành cho Trường Sa nói chung và đảo Đá Lớn B nói riêng trong những dịp Tết đến, Xuân về. Theo Thượng úy Nguyễn Năng Tĩnh, đây là sự quan tâm rất đặc biệt, là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn để cán bộ, chiến sĩ trên đảo quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ngư dân bán cá tại Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN
Ngư dân bán cá tại Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN

Trên các đảo ở Trường Sa, chuẩn bị đón Tết, nhưng các cán bộ, chiến sĩ không quên nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các phương án được chuẩn bị kỹ càng, đảm bảo không bất ngờ, bị động trong mọi tình huống. Lãnh đạo Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn 146 đã chỉ đạo các đảo chuẩn bị điều kiện đón Tết chu đáo, đầy đủ, trong đó có việc tập trung vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động hái hoa dân chủ, vui chơi thể thao...

Đón Tết Canh Tý 2020, quân và dân Trường Sa nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước. Trên chuyến tàu 561 Hải quân ra thăm, chúc Tết quân và dân Trường Sa, chúng tôi được tận mắt thấy những chậu quất, những lá cờ Tổ quốc, có cả những cuộn lá dong dùng để gói bánh chưng hay những kiện hàng hóa được gói cẩn thận từ mọi vùng, miền của Tổ quốc gửi đến quân và dân Trường Sa.

Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: "Để đảm bảo cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa đón Tết đầm ấm, rất nhiều tình cảm từ đất liền, trong đó có những cành quất, hoa lan, lá dong, các sản phẩm, đặc sản từ nhiều vùng quê trong cả nước được gửi đến Trường Sa. Chúng tôi cảm nhận được những tình cảm, sự quan tâm đó và thấy thêm gần gũi với đất liền."

Ở Trường Sa, do đặc thù cách xa đất liền, điều kiện đi lại khó khăn, để chuẩn bị cho quân và dân trên các đảo đón Tết, mọi việc đã được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và các cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị trước cả tháng. Đơn cử như lá dong để gói bánh chưng được mua trước mấy tuần để đóng gói cẩn thận gửi theo tàu ra đảo. Nếu để cận Tết mới mua, lá dong có thể tươi, xanh, gói bánh chưng sẽ đẹp hơn, nhưng khi đó sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể cách gì để đưa được ra đảo.

Tết với người lính đảo xa nhà, vui đón Xuân nhưng trên hết vẫn là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng - bảo vệ, giữ gìn sự bình yên cho biển đảo, cũng là bình yên cho Tổ quốc. Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc, đó là mệnh lệnh, cũng là trách nhiệm, trái tim mà mỗi người lính đảo hiểu và đặt lên trên hết.

Thượng tá Lương Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: "Tết Canh Tý 2020 sắp đến, ở Trường Sa có thể có sóng, gió, có mưa, bão, nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa xin hứa với đồng bào, chiến sỹ cả nước sẽ tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc". (Còn tiếp)
 
Nguyễn Văn Nhật

Có thể bạn quan tâm