Đồng Nai cần tăng cường sử dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng dịch tả lợn châu Phi

Đồng Nai cần tăng cường sử dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng dịch tả lợn châu Phi
Trưởng Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Phong - TTXVN
Trưởng Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Công Phong - TTXVN
Các địa phương đang có dịch phải kiểm soát chặt việc lưu thông lợn, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Chi cục Thú y vùng 6 cần phối hợp với tỉnh Đồng Nai, giám sát chặt việc chăn nuôi và vận chuyển thịt lợn từ vùng bệnh ra các địa phương khác; phát hiện sớm, tiêu hủy ngay lợn mắc bệnh. Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục Trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, trên thế giới nhiều nước có nền chăn nuôi rất phát triển, song dịch tả lợn châu Phi vẫn xâm nhập, lây lan. Bệnh này rất nguy hiểm, 100% lợn mắc bệnh bị chết, tuy nhiên, hoàn toàn không lây sang người. Cùng với việc phòng chống, người dân cả nước vẫn phải tiếp tục chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của toàn xã hội. Dù dịch chưa có vắc xin phòng bệnh, nhưng ngành chức năng, người dân cần bình tĩnh, không nóng vội, thực hiện triệt để chăn nuôi an toàn sinh học thì vẫn phòng chống được. Bên cạnh việc phòng chống, không để dịch lây lan trên diện rộng, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, để cả xã hội nhận thức đầy đủ về dịch bệnh, người dân vẫn sử dụng thịt lợn một cách bình thường.
Cán bộ thú y phun tiêu độc tại điểm xảy ra ổ dịch. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Cán bộ thú y phun tiêu độc tại điểm xảy ra ổ dịch. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Ông Dương khẳng định: “Ở nước ta, chưa khi nào thịt lợn được kiểm soát tốt, chặt chẽ như lúc này. Toàn bộ lợn xuất bán ra thị trường đều được kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo”. Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ. Nguyên nhân là do người dân lơ là, thực hiện không nghiêm các biện pháp phòng bệnh. Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với đàn lợn gần 2,5 triệu con, trong đó có khoảng 25% là chăn nuôi quy mô nhỏ, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Để phòng chống dịch, Đồng Nai nên lập các chốt kiểm dịch ở các làng, xã, kêu gọi người dân cùng tham gia kiểm tra, kiểm soát lợn cả 2 chiều ra – vào. Thực tế cho thấy, chăn nuôi an toàn sinh học giúp giảm 70% tỷ lệ mầm bệnh, tỉnh cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, chú trọng cách ly người, phương tiện (lạ) khỏi khu chuồng trại. Tại Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, đến nay họ thực hiện rất tốt việc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Vì lợi ích chung, chính quyền cần kêu gọi doanh nghiệp tham gia phòng chống dịch không chỉ trong phạm vi trang trại của mình mà cả khu vực xung quanh, hỗ trợ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiến hành vệ sinh phòng bệnh. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 5 xã thuộc 3 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu phát hiện dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn bị tiêu huỷ gần 870 con. Chủ trương của tỉnh là dịch xảy ra ở đâu lập tức khoanh vùng dập dịch tại đó; tiêu hủy luôn phần thức ăn còn tồn lưu trong trại có lợn mắc bệnh. Tỉnh cũng tiến hành tổng tiêu độc sát trùng tại các chuồng trại và nhiều tuyến đường; lập 24 trạm kiểm dịch động vật cố định và tạm thời nhằm kiểm soát lợn lưu thông trên địa bàn; ban hành chính sách hỗ trợ cho người có lợn bị tiêu hủy. Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện tình trạng giết mổ lậu ở Đồng Nai diễn ra khá phổ biến, đây là yếu tố làm lây lan dịch bệnh. Việc dẹp bỏ nạn mổ lậu nếu chỉ dựa vào phạt hành chính như hiện nay là không khả thi, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ đưa ra chế tài xử phạt nặng đối với hành vi giết mổ trái phép. Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều trang trại nuôi lợn quy mô hàng chục nghìn con. Trường hợp các trang trại này xuất hiện dịch bệnh, phải tiêu hủy lợn thì tỉnh sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn. Cơ quan Trung ương cần xem xét lại việc hỗ trợ thiệt hại khi xảy ra dịch bệnh đối với các doanh nghiệp và trại chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp. Đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mua lợn về giết mổ, cấp đông để dự trữ, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thiết yếu này trong thời gian tới.
Công Phong

Có thể bạn quan tâm