Sóc Trăng giải quyết việc làm giúp người dân thoát nghèo bền vững

Sóc Trăng giải quyết việc làm giúp người dân thoát nghèo bền vững
Lao động học nghề và làm việc tại cơ sở may ở Sóc Trăng. Ảnh: baodansinh.vn
Lao động học nghề và làm việc tại cơ sở may ở Sóc Trăng. Ảnh: baodansinh.vn

Trung bình mỗi năm, tỉnh Sóc Trăng đào tạo nghề và giới thiệu, tạo việc làm cho từ 20.000 - 25.000 người trong độ tuổi.  Mỗi tháng, hàng ngàn người được tư vấn, tạo việc làm ngắn hạn... Tháng 8/2017, Sóc Trăng đã tư vấn việc làm trong nước, ngoài nước cho hơn 2.500 lượt người lao động; giới thiệu, cung ứng 136 lao động đi làm việc ở trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn 14 người đăng ký tham gia xuất khẩu lao động, tổ chức phiên giao dịch việc làm cho gần 100 lượt người tham gia đăng ký tìm việc làm, xuất khẩu lao động. 9 tháng năm 2017, tỉnh đã tổ chức được cho 340 lao động đi làm việc tại nước ngoài. 

Theo ông Lê Hoàng Điện, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng: Giải quyết việc làm cho người lao động theo hướng xuất khẩu lao động được tỉnh quan tâm đặc biệt. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao, tạo cơ hội cho người dân có việc làm, tăng thu nhập. 

Trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động. Người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động được hỗ trợ một khoản chi phí ban đầu như: chi phí học nghề, học ngoại ngữ cần thiết, chi phí khám sức khỏe ban đầu, lệ phí làm hộ chiếu, lý lịch tư pháp, lệ phí vi sa... theo quy định. Người lao động sau khi xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được ngân sách tỉnh hỗ trợ một khoản chi phí: 800.000 đồng/người đối với các nhóm đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, bộ bội xuất ngũ, dân tộc thiểu số. Các đối tượng còn lại được hỗ trợ 500.000 đồng/người... 

Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, cùng các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể ở Sóc Trăng đã thực hiện việc tuyên truyền cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đến tận người dân, nhất là độ tuổi thanh niên ở các địa bàn trong tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã đưa được 1.700 lao động đi xuất khẩu lao động, tập trung nhiều nhất là thị trường Malaysia (chiếm 66,76%); Nhật Bản (chiếm 13,93%)… Thị trường Lào mới thực hiện trong 2 năm nay nhưng cũng đã đưa được gần 220 lao động sang làm việc. 

Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu lao động, Sóc Trăng chú trọng thu hút đầu tư tại địa bàn. Công ty May Nhà Bè vừa khởi công đầu tư nhà xưởng tại Sóc Trăng một nhà máy may hiện đại, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2018, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động. Tập đoàn Youngone (Hàn Quốc) có nhu cầu tuyển dụng 8.000 lao động lao động làm việc tại Nhà máy may mặc đang triển khai tại Khu Công nghiệp An Nghiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2018. 

Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng: tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi các nhà đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, ưu tiên chọn các nhà đầu tư sử dụng nhiều lao động, sử dụng lao động địa phương để hạn chế tình trạng lao động địa phương phải bỏ đi làm ăn xa trong khi nhà cửa, ruộng vườn, cha mẹ, con cái không người chăm lo, có việc làm tại chỗ sẽ có nhiều cái lợi... 

Việc tỉnh đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy, giải quyết việc làm tại chỗ và bước đầu đã có một số nhà máy may mặc, giày da đầu tư vào tỉnh đang là những tín hiệu đáng mừng về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là những lao động ở nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số thoát nghèo một cách căn cơ và bền vững./. 
Trung Hiếu 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm