Sóc Trăng dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức

Sóc Trăng dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức
Quang cảnh Lễ khai giảng lớp Khmer đào tạo cho cán bộ vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
 Quang cảnh Lễ khai giảng lớp Khmer đào tạo cho cán bộ vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Đây là những lớp thí điểm nằm trong Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Khóa học này gồm 3 lớp (2 lớp căn bản và 1 lớp nâng cao), với 163 học viên tham gia. Đối với lớp căn bản, các học viên sẽ được học trong thời gian 3 tháng, tương đương 300 tiết học; đối với lớp nâng cao, các học viên sẽ học 7 tháng tương đương với 450 tiết học. Kết thúc mỗi khóa học, Ban tổ chức đều tổ chức thi và cấp chứng chỉ cho học viên. Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng phê duyệt đào tạo cho 2.310 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chia làm 2 giai đoạn đào tạo: giai đoạn 2019-2020, Sóc Trăng sẽ đào tạo khoảng 660 học viên, số còn lại tương đương 1.650 học viên, sẽ được đào tạo vào giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình đào tạo ở 3 mức độ khác nhau gồm: lớp căn bản dành cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý ở các cấp; lớp nâng cao áp dụng cho cán bộ công chức, viên chức công tác ở các xã có đông đồng bào Khmer và các ngành lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với đồng bào Khmer. Ngoài lớp căn bản, nâng cao, trong giai đoạn sau 2020 còn có lớp biên dịch, phiên dịch tập trung đào tạo, nâng cao về kỹ năng biên dịch, phiên dịch để phục vụ công tác chuyên môn ở một số ngành, lĩnh vực đặc thù. Theo ông Hồ Quốc Tuấn, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng Ban tổ chức Đề án, lớp đào tạo tiếng Khmer theo Đề án của Tỉnh ủy Sóc Trăng nhằm giúp cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer có thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng Khmer, phục vụ yêu cầu công tác và nâng cao khả năng tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời, đưa trình độ tiếng Khmer vào tiêu chuẩn cán bộ để đánh giá, bố trí, sử dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Trung Hiếu

Có thể bạn quan tâm