“Sân chơi” cung và cầu của các doanh nghiệp đồ gỗ

“Sân chơi” cung và cầu của các doanh nghiệp đồ gỗ
 “Sân chơi” cung và cầu của các doanh nghiệp đồ gỗ
Là sự kiện thường niên lớn nhất của ngành gỗ, trong những năm qua, ViFa - Expo được xem là sân chơi cung và cầu đồ gỗ và các nhà cung cấp sản phẩm đồ nội thất, nơi giao lưu, tìm kiếm, tăng cường mối quan hệ với khách hàng mới có thương hiệu trên thị trường nhằm thúc đẩy quá trình thương mại của các nhà sản xuất. Năm 2018 cũng không phải là ngoại lệ, bằng chứng là số gian hàng tham dự đang có xu hướng tăng.
Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
 Sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Hội chợ có sự tham gia của 450 doanh nghiệp (năm 2017 là 313 doanh nghiệp), trên quy mô dự kiến gần 1.980 gian hàng với tổng diện tích 30.000 m2, tăng 29% so với năm 2017. Trong số các doanh nghiệp tham gia, 81% là doanh nghiệp trong nước và 19% là doanh nghiệp nước ngoài, đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm lực ngành gỗ như: Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Nga, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, New Zealand...

Đáng chú ý, số lượng khách tham quan hội chợ dự kiến cũng sẽ tăng so với năm trước bởi đã có 2.120 khách đăng ký đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2017 là 2.079 khách). Đặc biệt, để thu hút khách tham quan, năm nay Ban tổ chức tăng 15% chi phí quảng bá trong và ngoài nước, tổ chức các hoạt động quảng bá cho ViFa - Expo 2018 từ giữa năm 2017 và tiếp tục cho đến khi hội chợ kết thúc. 

Sản phẩm giới thiệu tại hội chợ là những mặt hàng có thiết kế theo xu hướng hiện đại, đa dạng và các dịch vụ hỗ trợ. Do đó, Ban tổ chức kỳ vọng sự kiện này sẽ sân chơi “cung và cầu” đồ gỗ, nhằm thúc đẩy quá trình thương mại của các nhà sản xuất gỗ nội địa với đối tác nước ngoài. Qua đó, giúp doanh nghiệp gia tăng thị trường xuất khẩu và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ.

Ngành gỗ đón nhiều lợi thế trong năm 2018
Ngành chế biến gỗ Việt Nam hiện được đánh giá là đang đứng trước cơ hội rất lớn, cả về xu hướng thị trường cũng như tiềm lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã đóng cửa rừng tự nhiên từ hơn 1 năm nay, nhưng ngành chế biến gỗ vẫn phát triển tốt. Điều đó chứng tỏ ngành gỗ phát triển mà không phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu gỗ tự nhiên.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại cơ sở sản xuất Thống Loan. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại cơ sở sản xuất Thống Loan. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, trong vài năm gần đây, các khu vực sản xuất đồ gỗ đều không tăng trừ châu Á-Thái Bình Dương nên áp lực cạnh tranh toàn cầu không tăng. Trong khi đó, nhu cầu thị trường đồ nội thất trên thế giới vẫn tăng trưởng mạnh. Do đó, đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam vươn lên giành lấy thị trường. 

Về vấn đề nguyên liệu cho chế biến gỗ, ông Huỳnh Văn Hạnh khẳng định hoàn toàn không lo lắng. Theo đó, sau khi kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đến nay vẫn có khoảng 1 triệu ha rừng được trồng mới mỗi năm.

Ngoài ra, Việt Nam còn có hơn 1 triệu ha cây cao su, cung ứng 2,5-3 triệu m3 gỗ mỗi năm. Đồng thời, các loại cây ăn trái cũng cung cấp hơn 1 triệu m3 gỗ/năm. Đây đều là nguồn nguyên liệu hợp pháp cho ngành chế biến gỗ. Theo ông Hạnh, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu chỉ là để phong phú thêm cho thị trường, tạo ra nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng và để thay thế dần thói quen sử dụng gỗ quý.

Năm 2017, ngành gỗ trong nước thực hiện được 9 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD là tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nhập khẩu gỗ và nguyên liệu gỗ chỉ ở mức trên 2,1 tỷ USD, bao gồm gần 2 tỷ USD nguyên liệu và 190 triệu USD là đồ gỗ. Như vậy, phần lớn nguyên liệu sử dụng cho chế biến gỗ thời gian qua được lấy từ nguồn trong nước.

Các doanh nghiệp gỗ rất ý thức về trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 732 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó 24 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững với tổng diện tích 173.000 ha. Điều này cho thấy ngành chế biến gỗ đã chứng minh việc phát triển ngành đang theo hướng bền vững, không làm ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên.

Năm 2018, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 9 tỷ USD. Trong đó, riêng gỗ và sản phẩm gỗ là 8,6 tỷ USD. Tính riêng trong tháng 1-2018, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đạt 773,97 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng cuối năm 2017.

Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện xuất khẩu sang 38 thị trường chủ yếu, trong đó nhiều nhất là thị trường Mỹ, chiếm 41% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 317,29 triệu USD trong tháng đầu năm nay, tăng 29% so với tháng 1-2017. Bên cạnh đó, một số thị trường dù kim ngạch không cao nhưng lại có mức tăng trưởng rất mạnh như Thụy Sĩ tăng 508%, Phần Lan tăng 486,5%… 

Về tình hình thực hiện mục tiêu năm 2018, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, qua nắm bắt thông tin của các doanh nghiệp chế biến gỗ, ở thời điểm hiện tại tình hình đơn hàng năm 2018 của các doanh nghiệp đều rất khả quan.

Hầu hết các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến hết tháng 6-2018, thậm chí một số doanh nghiệp như Công ty Cẩm Hà (Quảng Nam) đã có đơn hàng cho cả năm./. 
Đàm Trung (tổng hợp)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm