Quảng Ninh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng

Quảng Ninh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng
Lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm tra rừng. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm tra rừng. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Theo ông Mạc Văn Xuyên, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Ninh, tỉnh có khoảng 136.000 ha rừng phòng hộ và 26.000 ha rừng đặc dụng. Hàng năm, nguồn kinh phí hỗ trợ từ nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 1/3 tổng kinh phí cho bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ có nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng, tỉnh có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chủ rừng, thuê khoán bảo vệ, chăm sóc rừng. Đây là nguồn động lực quan trọng trong khi nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn hạn hẹp để đơn vị thực hiện tốt nhất trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn quốc đã có 44 tỉnh, thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu trong việc thực hiện nhiệm vụ chi trả ủy thác tiền dịch vụ môi trường rừng từ bên sử dụng đến bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Qua 10 năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đến nay đạt hơn 10.000 tỷ đồng, bình quân trên 1.300 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm đã góp phần quản lý bảo vệ hơn 5 triệu ha rừng, chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng toàn quốc. Quỹ đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các Công ty Lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho hơn 410.000 hộ gia đình, cộng đồng với 86% là đồng bào dân tộc có điều kiện nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn. Tuy nhiên, có những địa phương như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La... tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hàng năm rất cao, hơn 100 tỷ đồng/năm nhờ hệ thống sông Đà, nhưng có những tỉnh như Phú Thọ, Hòa Bình hay Quảng Ninh lại rất thấp. Với Quảng Ninh, do nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng không lớn nên việc chi trả hỗ trợ cho nhóm đối tượng chủ rừng được thụ hưởng là các hộ gia đình hầu như vẫn chưa thực hiện được. Bởi mức chi trả cho mỗi hộ rất thấp, thậm chí chỉ vài chục nghìn đồng cho 1 ha. Các đơn vị thường sử dụng nguồn kinh phí này để hỗ trợ phòng chống cháy rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng, phòng trừ sâu bệnh hại… Quảng Ninh là tỉnh có ngành công nghiệp mạnh và phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp khai khoáng và hoạt động sản xuất nhiệt điện, xi măng…  Theo quy định, đây là ngành nằm trong đối tượng buộc phải chi trả dịch vụ môi trường rừng nên đây là đối tượng có thể thu được nguồn thu lớn. Theo ông Mạc Văn Xuyên, dự kiến Quảng Ninh là một trong những địa phương sẽ thí điểm triển khai để xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ Carbon. Ngoài nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ Carbon, Quảng Ninh còn có thể thu từ các đơn vị sử dụng nước công nghiệp, các bãi đẻ (bãi thủy sản đẻ tự nhiên), rừng ngập mặn… Nếu tính được đối tượng này, Quảng Ninh sẽ có nguồn thu thêm hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ lại cho quản lý, bảo vệ rừng, giảm gánh nặng của Nhà nước trong hỗ trợ thuê khoán, bảo vệ rừng. Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, việc hình thành Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương là thành công lớn của quá trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, huy động hiệu quả, bền vững các nguồn lực xã hội cho quản lý, bảo vệ rừng. Quỹ đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp, giúp nâng cao trách nhiệm xã hội đối với tài nguyên rừng, đồng thời nâng cao năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, tạo an sinh xã hội vùng sâu vùng xa. Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu các Quỹ cần hoạt động minh bạch, hiệu quả; quan tâm sát sao đến nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền trồng rừng thay thế; triển khai nghiên cứu, khai thác tối đa tiềm năng của dịch vụ môi trường rừng từ các cơ sở có phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn trong nước đối với dịch vụ hấp thụ, lưu trữ Carbon và các nguồn lực quốc tế về chi trả dựa trên kết quả nhằm bảo vệ, phát triển rừng tốt nhất, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng. Các đơn vị lồng ghép thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và các chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp khác.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm