Quảng Ninh tìm giải pháp tránh lãng phí hạ tầng giáo dục sau dồn ghép điểm trường

Quảng Ninh tìm giải pháp tránh lãng phí hạ tầng giáo dục sau dồn ghép điểm trường
Điểm trường thôn Thượng, Trường PTCS Đồng Rui, được địa phương xây dựng phương án cải tạo, nâng cấp thành Trạm Y tế xã Đồng Rui. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Điểm trường thôn Thượng, Trường PTCS Đồng Rui, được địa phương xây dựng phương án cải tạo, nâng cấp thành Trạm Y tế xã Đồng Rui. Ảnh: baoquangninh.com.vn

Dồn ghép điểm trường để nâng cao chất lượng giáo dục

Đề án 25 là cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Kết luận 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 05/12/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về nội dung “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế” như một luồng gió mới tạo cơ hội để ngành Giáo dục có hướng đi mới khắc phục những hạn chế tồn tại từ nhiều năm do đặc thù địa phương. Đó chính là việc thực hiện thí điểm mô hình bán trú và dồn ghép các điểm trường lẻ đối với các trường mầm non, tiểu học, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy. Đây là điều kiện vô cùng cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục vùng cao nói riêng, tăng các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, hiệu quả và không dàn trải cho giáo dục, đặc biệt là tạo cơ hội để học sinh tại các điểm trường vùng cao nhận được sự quan tâm về mọi mặt.

Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh cho biết: Việc dồn ghép điểm trường là chủ trương đúng đắn, linh hoạt của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh nhằm đưa học sinh về nơi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trước đây, việc học tập tại các điểm trường lẻ vùng sâu vùng xa gặp rất nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nhiều học sinh phải học lớp ghép, trường lớp thiếu kiên cố.

Theo thống kê của sở giáo dục, hệ thống các điểm trường lẻ ở cấp huyện nhiều gấp 3 lần số điểm trường chính, đã gây khó khăn cho công tác dạy học và việc huy động học sinh ra lớp.

Những năm gần đây, Quảng Ninh đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi nhằm thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.  Theo đó, tại các thôn bản khó khăn, nhiều tuyến đường được mở rộng bê tông hóa, con đường đến trường của các em cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Trên cơ sở rà soát thực trạng cơ sở vật chất, hệ thống giao thông, ngành Giáo dục đã có chủ trương sắp xếp trường lớp, để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm 2014, ngành Giáo dục Quảng Ninh bắt đầu thực hiện việc dồn ghép điểm trường trên địa bàn tỉnh, với cách làm là ưu tiên các điểm trường có vị trí giao thông thuận lợi thì đưa học sinh về điểm trường chính học tập, nơi có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, môi trường giáo dục tốt nhất.

Từ khi thực hiện việc sắp xếp lại trường lớp, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh liên tục được nâng cao. Cụ thể đến năm học 2017-2018, tỉnh có trên 650 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, trong đó có 520 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm trên 80%; chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn được cải thiện rõ rệt, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào thi đua dạy tốt học tốt.

Dôi dư, xuống cấp gây lãng phí

Theo thống kê của 13 huyện, thị, thành phố gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, sau 4 năm thực hiện chương trình dồn ghép điểm trường, toàn tỉnh dôi dư ra 216 điểm trường với 497 phòng học. Tổng kinh phí tạm tính cho 497 phòng học trên là khoảng 65 tỷ đồng, không bao gồm các điểm trường đã hết khấu hao và chưa xác định được đơn giá.

Đến nay, 12 địa phương có các điểm trường dôi dư trên mới xử lý đưa vào sử dụng được 89 điểm trường, còn lại 127 điểm trường chưa biết sử dụng vào việc gì. Việc xử lý các điểm trường phần lớn đã được các địa phương chủ động nhưng trên thực tế việc thực hiện vẫn còn dè dặt, nghe ngóng, thậm chí là bối rối, trong khi đó theo thời gian các phòng học ngày một xuống cấp, hư hỏng.

Trường Phổ thông Trung học Đầm Hà cũ (huyện Đầm Hà) với diện tích khoảng 14.000m2 do huyện đang quản lý. Hơn 3 năm nay, ngôi trường này bị bỏ không, một số hạng mục công trình đã xuống cấp theo thời gian, cỏ dại và rêu mốc đang xâm lấn ngôi trường. Đến nay, UBND huyện Đầm Hà vẫn đang loay hoay tìm phương pháp xử lý. Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, hiện huyện phải thuê người trông coi ngôi trường này và đang báo cáo Sở Tài chính, chờ hướng xử lý.

Huyện Tiên Yên là một trong số ít địa phương tiên phong trong việc thực hiện dồn ghép điểm trường, vì vậy số điểm trường dôi dư của huyện nhiều nhất Quảng Ninh với 48 điểm trường. Trong số những điểm dôi dư trường trên địa bàn huyện Tiên Yên, nhiều cơ sở sau khi xây khang trang chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nay bị bỏ không và ngày càng xuống cấp. Điển hình như điểm trường mầm non xã Đông Ngũ được xây dựng với kinh phí gần 700 triệu đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng gần 2 năm nay bỏ hoang. Hay điểm trường Khe Sâu xã Nam Sơn (Ba Chẽ) được xây dựng năm 2011 với trị giá trên 900 triệu với các phòng học khép kín và khá thuận tiện khi nằm ngay cạnh tỉnh lộ 329, nhưng sau gần 2 năm để không, đang xuống cấp.

Mỗi nơi một cách xử lý

Trước vấn đề cấp bách về việc tránh lãng phí của các cơ sở giáo dục, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động có những giải pháp riêng của mình.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quảng Thịnh (huyện Hải Hà) được dồn ghép đã làm dư thừa điểm trường Tiểu học Khu A. Nhà trường đã phối hợp với xã Quảng Thịnh san nền xây hệ thống thoát nước, làm sân. Trong giờ học thì dùng khu này vào mục đích giáo dục thể chất. Còn ngoài giờ học, xã Quảng Thịnh sử dụng làm khu vui chơi cho trẻ em và nhân dân.

Ông Chu Văn Việt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quảng Thịnh cho hay: Trước trường chật hẹp khu rèn luyện thể chất gần ngay lớp học. Sau khi tiếp nhận mặt bằng điểm trường dư thừa, trường có nơi riêng biệt cho các môn thể dục, không ảnh hưởng đến các bộ môn khác. 

Với cách làm như trên, đến nay huyện Hải Hà giảm được 4 trường, 15 điểm trường dôi dư. Để xử lý các điểm trường còn lại huyện Hải Hà đã thống nhất các phương án như giao cho UBND các địa phương có điểm trường quản lý quỹ đất; sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng; làm nhà văn hóa; điểm vui chơi cho người dân…

Huyện Đầm Hà hiện thừa 10 điểm trường. Trong đó, điểm trường Tiểu học An Bình xã Quảng Lợi được đầu tư cách đây vài năm với tổng kinh phí 350 triệu đồng, hiện đã bàn giao lại cho điểm trường mầm non sử dụng; 9 điểm trường còn lại đều là nhà cấp 4 (xây từ năm 1990), do hết khấu hao sử dụng nên huyện đã thanh lý, phá dỡ chuyển đất trả địa phương sử dụng từ những năm 2014 -2015.

Huyện Tiên Yên là một trong số ít địa phương tiên phong trong việc thực hiện dồn ghép điểm trường. Vì vậy, số điểm trường dôi dư của huyện nhiều nhất tỉnh Quảng Ninh với 48 điểm trường dôi dư. Trong số những điểm dôi dư trường trên địa bàn huyện Tiên Yên, nhiều cơ sở sau khi xây cất khang trang chỉ hoạt động trong thời gian ngắn.

Để tránh lãng phí cũng như xuống cấp công trình trên, huyện Tiên Yên đã có một số phương án tái sử dụng với từng điểm trường. Điểm trường Đông Sơn thôn Nà Bấc, xã Đông Hải được chuyển giao làm nhà văn hóa thôn Nà Bấc. Khi bàn giao công trình về thôn Nà Bấc để làm nhà văn hóa, nhân dân trong thôn đã đóng góp 40 triệu đồng và ngày công để cải tạo cơ sở này. Với khuôn viên rộng hơn 900 m2, những sự kiện lớn của thôn đều diễn ra ở đây. Anh Thằng Văn Thống – Trưởng thôn Nà Bấc cho hay: Người dân trong thôn đã tự giác đóng góp tiền ngày công cải tạo cơ sở giáo dục này thành nhà văn hóa rộng và khuôn viên thoáng mát rất thuận lợi cho việc huy động hay tổ chức các cuộc họp thôn.

Điểm trường Sán Xế Nam, xã Đông Ngũ,một phần được huyện giao cho hợp tác xã nuôi trồng Thủy sản làm trụ sở, phần còn lại dự kiến làm sân bóng đá cho thanh thiếu niên. Điểm trường Tài Tùng, xã Yên Than được bàn giao cho xã làm trụ sở UBND xã. Ngoài ra, những điểm trường khác, huyện Tiên Yên có những phương án như: Làm chợ, mở rộng đường thôn hay lập quy hoạch đất ở để bán đấu giá.

Ông Hoàng Mạnh Hưng ,Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho hay: 54 điểm trường được dồn ghép, trong đó chúng tôi dùng 1 điểm trường ưu tiên cho sử dụng các điểm trường mầm non, góp phần huy động trẻ ra lớp đạt tỉ lệ cao; 26 điểm trường bàn giao cho xã sử dụng vào các mục đích khác nhau; còn 22 điểm về cơ bản cơ sở đã xuống cấp, giá trị sử dụng không cao, sắp tới cũng có phương án xử lý.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Ninh Nguyễn Văn Tuế  cho biết, việc dồn, ghép điểm trường dôi dư, UBND tỉnh đã có văn bản giao cho UBDN các huyện rà soát. Trong quá trình rà soát, các địa phương cũng đã tính toán đến tốc độ phát triển, quy mô dân số để dự phòng việc sử dụng các điểm trường, phòng học dôi dư phục vụ dân sinh.

Mới đây nhất, UBND tỉnh có văn bản số 2077 ngày 2/4/2019 về việc rà soát, đề xuất sắp xếp lại các điểm trường dôi dư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, các địa phương tổ chức rà soát thống kê số lượng điểm trường dôi dư, không sử dụng, đề xuất phương án xử lý sắp xếp lại. Đồng thời, giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng đôn đốc, tổng hợp kết quả rà soát và thẩm định phương án xử lý, sắp xếp các điểm trường dôi dư; báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh trong tháng 5, để xem xét, giải quyết theo quy định.
Văn Đức

Có thể bạn quan tâm