Quảng Nam khuyến khích khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm

Quảng Nam khuyến khích khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm
Trồng dâu nuôi tằm góp phần cải thiện cuộc sống. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
Trồng dâu nuôi tằm góp phần cải thiện cuộc sống. Ảnh: Đặng Tuấn – TTXVN
Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Chí Tùng cho biết, khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm đã góp phần phát triển kinh tế sản xuất, lưu giữ được ngành nghề truyền thống của người dân Quảng Nam nói chung và huyện Nông Sơn nói riêng. Mô hình được huyện Nông Sơn triển khai phù hợp với định hướng phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống, góp phần làm hạn chế việc xói lở đất ven sông Thu Bồn và chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững mà huyện đã đề ra. Bước đầu, UBND huyện Nông Sơn giao cho Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nông Sơn phối hợp với địa phương, tiến hành khảo sát chọn điểm và chọn hộ tham gia mô hình. Việc chọn hộ dựa trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo các tiêu chí đề ra như: Hộ được chọn phải nhiệt tình, có nguồn lực lao động, có diện tích tập trung, liên thửa, có kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm và cam kết thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật được ứng dụng trong mô hình. Thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn là nơi có lợi thế lớn nhất trong việc trồng dâu nuôi tằm vì vẫn duy trì được phương pháp nuôi, trồng truyền thống. Bên cạnh đó, người dân nơi đây luôn mang trong mình khao khát gìn giữ làng nghề. Khi có điều kiện phát triển, nhiều hộ đã tích cực hưởng ứng. Do vậy, từ tháng 8/2018, chính quyền huyện Nông Sơn đã quyết định cho triển khai thí điểm mô hình khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đại Bình với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 50 triệu đồng. Thời gian đầu, 6 hộ đã tham gia với 1 héc ta giống dâu mới được trồng. Khi tham gia vào mô hình, các hộ dân được Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nông Sơn hỗ trợ hơn 46.000 hom giống dâu tằm S7 – CB, kháng bệnh rỉ sắt tốt, thích hợp cho nhân giống bằng hom, ít có sâu bệnh; 12 hộp trứng tằm giống LĐ – 09 cho năng suất kén ổn định, chất lượng tơ, kén tốt. Bước đầu, chất lượng cây dâu và tằm đã đem lại hiệu quả cao, từ đó mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ tham gia. Anh Lê Trần Toàn (45 tuổi, trú thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) chia sẻ, trải qua 4 đời gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, hiện gia đình anh đã có được 8 sào đất trồng dâu ven sông Thu Bồn. Vừa qua, thời tiết mưa thuận gió hòa, cây dâu và số tằm của gia đình anh không bị dịch bệnh, cho năng suất ổn định. Thực tiễn cho thấy, 1 héc ta dâu có thể nuôi được 32 hộp trứng/năm, cho sản phẩm gần 1.300 kg kén. Với giá bán hiện tại là 150.000 đồng/kg kén, trừ mọi chi phí, thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc các thương lái trên địa bàn đến tận nơi để thu mua con nhộng về làm thực phẩm, lợi nhuận mà các hộ tham gia nuôi, trồng thu về được hơn 12 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 4 lần so với sản xuất cây màu hoặc các công việc khác. Chị Phan Thị Đèo (43 tuổi, trú tại thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) phấn khởi cho biết, nghề trồng dâu nuôi tằm so với một số ngành sản xuất nông nghiệp khác có những ưu thế nhất định như chi phí đầu tư cho quá trình sản xuất thấp, vòng quay thu hồi vốn nhanh. Với việc nghề trồng dâu nuôi tằm đang trên đà phát triển, gia đình chị dự kiến sẽ đầu tư thâm canh để tăng năng suất cây dâu, mở rộng diện tích trồng dâu và hỗ trợ hom giống cây dâu cho những hộ dân mới tham gia nuôi trồng trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung Đỗ Trường Thương cho biết, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ kết hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nông Sơn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu và chọn giống tằm. Việc phát triển sản xuất dâu tằm trên địa bàn xã đã được áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm chi phí vật chất, giảm công lao động. Đồng thời, chính quyền địa phương đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam nhằm thực hiện việc cung ứng đầu vào, đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, người dân yên tâm và nâng cao sản xuất, hướng tới xuất khẩu ra các thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, UBND xã Quế Trung đang hướng tới việc lấy tằm làm sản phẩm chủ lực trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” do UBND tỉnh Quảng Nam phát động. Sự thành công mà mô hình trồng dâu nuôi tằm được huyện Nông Sơn đang triển khai là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quế Trung nói riêng và huyện Nông Sơn nói chung. Việc ban hành những chính sách và cách làm phù hợp của huyện Nông Sơn đã giúp làng Đại Bình từng bước “trở mình”, hướng tới thôn kiểu mẫu nông thôn mới theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát huy nội lực của thôn được chọn thực hiện. Từ đó, bộ mặt nông thôn của xã Quế Trung được “thay mới”, cải thiện, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, vật chất cho người dân tại địa phương. Phát huy những kết quả đã đạt được, xã Quế Trung dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm đến các thôn dọc sông Thu Bồn như thôn Trung Thượng, Trung Phước 2, Trung Hạ, Trung An… Đồng thời, xã Quế Trung phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, các sản phẩm tơ lụa Quảng Nam đã được xuất khẩu qua nhiều thị trường như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tuy nhiên, do biến động về giá cả thị trường, công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất chưa được quan tâm đầu tư đổi mới, xúc tiến thương mại chưa tốt nên trong một thời gian dài, sự phát triển của nghề này gặp khó khăn, có nguy cơ mai một. Theo thống kê hiện nay, các địa phương chỉ còn một số ít hộ dân còn theo nghề trồng dâu nuôi tằm. Đồng thời, người dân chưa bắt kịp với những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên trong hoạt động sản xuất còn mang tính cầm chừng. Người trồng dâu của địa phương hầu như chưa tiếp cận được nhiều với những công nghệ dệt nhuộm để tạo ra sản phẩm có năng suất cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng như cầu của thị trường, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của người dân thấp. Gần đây, thị trường tiêu thụ đã có nhiều tín hiệu tốt, người tiêu dùng hướng về sản phẩm thiên nhiên, tạo ra nhiều cơ hội để phục hồi nghề trồng dâu, nuôi tằm của địa phương. Trước những biến động của thị trường cũng như kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Quảng Nam đang có các chủ trương và xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân khôi phục phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm của địa phương trong thời gian tới…
Trần Tĩnh – Khoa Chương

Có thể bạn quan tâm