Quản lý rừng bền vững ở Tây Nguyên trong bối cảnh mới

Quản lý rừng bền vững ở Tây Nguyên trong bối cảnh mới
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Luật Lâm nghiệp thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 căn bản đã xác định ngành lâm nghiệp là một ngành kinh tế từ khâu chọn giống đến khâu chế biến, xuất khẩu chứ không gói trọn trong bảo vệ phát triển rừng.

Luật Lâm nghiệp ra đời sẽ thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp, mà trước mắt toàn bộ chủ rừng của nhà nước (các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) phải xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, không chỉ vì mục tiêu kinh tế mà còn vì mục tiêu về môi trường, xã hội.

Đặc biệt, khi triển khai Luật Lâm nghiệp mới kèm theo một số chính sách về sinh kế, người dân sẽ được giao một quỹ đất ổn định, lâu dài để sản xuất lâm nghiệp bền vững, phát triển rừng trồng, được nhận khoán tiền bảo vệ rừng, vay vốn thực hiện trồng rừng, phát triển sản xuất của gia đình.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp lâm nghiệp, người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên đã trình bày các khuyến nghị, để giúp hoàn thiện hơn các chính sách về quản lý rừng bền vững trên địa bàn trong thời gian tới.

Theo ông Trần Văn Con, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp, trong số 10 triệu ha rừng tự nhiên của Việt Nam chỉ có khoảng 14% là rừng giàu và trung bình, còn lại là rừng thứ sinh và rừng non phục hồi có trữ lượng nghèo và nghèo kiệt. Để hướng tới một nền lâm nghiệp bền vững và đa chức năng trong cả nước nói chung và ở khu vực Tây Nguyên, cần phải thay đổi quan niệm về rừng, nghề rừng; nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, chức năng của rừng.

“Lâu nay chúng ta quan niệm rừng là một kho lâm sản, chỉ để cung cấp gỗ và lâm sản thuần túy, do vậy trong tính toán giá trị sản phẩm quốc gia, đóng góp của ngành lâm nghiệp chỉ đạt trên dưới 1% GDP của cả nước. Thế nhưng, ngoài giá trị về gỗ và lâm sản, rừng còn rất nhiều giá trị khác như giá trị bảo vệ môi trường, nguồn nước, không khí, đa dạng sinh học, chức năng du lịch, nghỉ dưỡng. Các giá trị này không tính được bằng tiền nhưng lâu nay vẫn chưa được quan tâm cho nên cần phải đổi mới, mở rộng khái niệm về rừng cho đa dạng hơn, tính toán giá trị sản phẩm lâm nghiệp để nâng cao GDP của ngành lâm nghiệp lên”, ông Trần Văn Con nói.

Từ nghiên cứu về thực trạng và giải pháp phục hồi rừng cảnh quan gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng lưu vực sông Sêrêpôk, bà Cao Thị Lý, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, rừng thuộc lưu vực sông Sêrêpôk đã suy giảm nhiều về diện tích và chất lượng so với cách đây 15 năm. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, an ninh lương thực, …và gián tiếp liên quan đến biến đổi khí hậu. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục và cải thiện thì những ảnh hưởng kể trên sẽ kéo dài, hệ lụy chưa thể xác định được.

Vì vậy, để bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững tại các địa phương lưu vực sông Sêrêpôk cần kiểm soát tác động đến tài nguyên rừng, giải quyết tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn trong sử dụng đất lâm nghiệp, hỗ trợ bảo vệ rừng; phục hồi, phát triển rừng và nông lâm kết hợp.

“Phải kiểm soát dân di cư người quy hoạch; hỗ trợ hộ gia đình, cộng đồng nhận rừng trong khu vực đều được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hỗ trợ kỹ thuật, chính sách đầu tư, vay vốn ưu đãi; liên kết doanh nghiệp hỗ trợ trồng rừng, nông lâm kết hợp, tìm đầu ra sản phẩm…”, bà Lý khuyến nghị.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Ông Lã Nguyên Khang, Viện Sinh thái rừng và Môi trưởng (Đại học Lâm nghiệp) cho rằng, tình trạng phá rừng, mất rừng ở Tây Nguyên trong thời gian qua đã và đang làm diện tích, chất lượng rừng suy giảm một cách nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng ở Tây Nguyên là phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Thực tiễn nghiên cứu tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy, có tới trên 52.000ha đất lâm nghiệp bị xâm canh để trồng cây nông nghiệp. Nếu thu hồi diện tích này để trồng rừng thì rất khó. Vì vậy, giải pháp tổng thể cho việc phục hồi rừng trên đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp là trồng xen cây lâm nghiệp với mật độ thấp nhằm vừa đảm bảo độ che phủ rừng khi cây lâm nghiệp đến giai đoạn trưởng thành, vừa đảm bảo có đủ không gian dinh dưỡng để cây trồng nông nghiệp sinh trưởng và phát triển, duy trì sinh kế cho hộ gia đình.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030”. Mục tiêu của đề án là nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng.

Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,5%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên...
Anh Dũng – Phạm Cường

Có thể bạn quan tâm