Phú Yên phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững

Phú Yên phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững
Theo đó, toàn tỉnh hình thành 3 vùng nuôi tập trung ở các huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu với tổng diện tích 1.650 ha mặt nước. Đối với vùng nuôi tại Vũng Rô thuộc huyện Đông Hòa, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo chính quyền huyện Đông Hòa và các xã nghiêm túc chấm dứt việc nuôi thủy sản trái phép.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, tại vùng nuôi Vũng Rô, UBND tỉnh đã quy hoạch tạm thời 100 ha và chỉ cho phép hơn 130 hộ là người dân địa phương đã nuôi thủy sản từ năm 2005 trở về trước tiếp tục nuôi trong mặt nước được quy hoạch tạm thời nói trên. Số còn lại với hơn 3.000 lồng bè do người dân nuôi từ sau năm 2005 phải di dời đến nơi khác; đồng thời chấm dứt hoạt động dịch vụ ăn uống trong khu vực Vũng Rô.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, việc quy hoạch lại vùng nuôi được tỉnh khẩn trương đặt ra khi năm nay tình trạng thủy sản nuôi bằng lồng bè chết hàng loạt. Chỉ riêng tại vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh thuộc địa bàn thị xã Sông Cầu đã xảy ra 2 đợt thủy sản chết hàng loạt. Cụ thể, vào tháng 4 có đến 16.597 lồng nuôi tôm hùm bị bệnh sữa (với tổng số 1.161.790 con, trọng lượng từ 0,2 kg đến 0,7 kg/con) bị bệnh; tỷ lệ tôm chết từ 10% đến 30% trên mỗi lồng nuôi, cá biệt một số lồng nuôi tỷ lệ tôm hùm chết từ 50% đến 70%. Tiếp đến, cuối tháng 5 vừa qua lại xảy ra một đợt với hơn 1,63 triệu con tôm hùm chết, gây thiệt hại cho người nuôi hàng trăm tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và nông thôn Phú Yên, trong năm nay riêng nghề nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi 39.390 lồng, tăng 15,2% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng có gần 40% số lồng nuôi  bị chết do dịch bệnh.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển thì cùng với quy hoạch lại vùng nuôi, các địa phương sớm thành lập đơn vị chuyên trách quản lý lồng bè nuôi; cho các hộ, các nhân và tổ chức thuê mặt nước. UBND tỉnh Phú Yên sẽ ban hành quy định chi tiết về quản lý, đăng ký lồng, bè nuôi thủy sản; hướng dẫn các địa phương thực hiện đăng ký cơ sở nuôi, số lượng lồng bè; ban hành quy định hạn mức diện tích, thời gian giao hoặc cho thuê mặt nước để nuôi thủy sản, nhất là tôm hùm...

UBND tỉnh Phú Yên cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình thí điểm hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường tự động vùng nuôi trên vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) với sự hỗ trợ của Công ty Viettel Phú Yên. Hệ thống này gồm 2 trạm phao sử dụng năng lượng mặt trời dùng để đo chất lượng nước qua 8 thông số giá trị gồm: pH, nhiệt độ, độ mặn, DO, BOD, NO2, NH3 và H2S và sẽ tự động truyền dữ liệu thông tin môi trường nước về máy chủ. Trên cơ sở đó Trung tâm điều hành sẽ xử lý thông tin và ra quyết định cảnh báo tình hình biến động môi trường cho cơ quan chức năng và người nuôi thủy sản.
Thế Lập 

Có thể bạn quan tâm