Phú Thọ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Phú Thọ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Những năm đầu tái lập, hạ tầng giao thông Phú Thọ còn hết sức khó khăn khiến người dân hạn chế trong đi lại, lưu thông hàng hoá chậm trễ, chi phí xuất nhập khẩu cao, sức cạnh tranh thấp, tạo nên “nút nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nói riêng. Vì vậy, giai đoạn 1997 - 2000, Phú Thọ đã xác định giao thông vận tải là lĩnh vực quan trọng cần được ưu tiên đầu tư, đi trước một bước. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ định hướng này, Phú Thọ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào vận tải, nêu cao tinh thần công khai trong quản lý và sử dụng nguồn lực, huy động nội lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, đến năm 2000, tỉnh đã làm mới và nâng cấp hơn 329km đường giao thông; hoàn thành các tuyến đường quan trọng như Quốc lộ 32A, 32B, 32C, thực hiện thành công mục tiêu nhựa hóa tỉnh lộ đến trung tâm các huyện. Nhờ đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách liên tục tăng theo từng năm. 

Không ngừng nỗ lực và đổi mới trong lãnh chỉ đạo, sáng tạo trong huy động nguồn lực đầu tư, sau 20 năm, mạng lưới giao thông Phú Thọ đã đổi thay mạnh mẽ. Nhiều tuyến đường, cây cầu, đường tới vùng sâu, vùng xa liên tục được cải tạo nâng cấp và xây dựng mới trên khắp các địa phương trong tỉnh, tạo ra những “mạch máu” giao thông quan trọng, góp phần đắc lực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt là trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. 

Hiện nay, tại Phú Thọ đã có 62km đường cao tốc cùng hệ thống cầu lớn trên tuyến đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh được cứng hóa 100%; đường tỉnh cứng hóa 97%; Đưa vào sử dụng hơn 35km đường Hồ Chí Minh, gần 1.000 km quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và 7 cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, 2 cầu nhỏ bắc qua sông Bần, sông Bứa... Hệ thống giao thông đường thủy được Nhà nước bố trí vốn duy tu thường xuyên, nạo vét thanh thải chướng ngại vật (trên sông Lô); cảng Việt Trì được nâng cấp, cải tạo; cảng Sóc Đăng được xây dựng mới. Tuyến đường sắt trọng điểm Yên Viên - Lào Cai đoạn qua địa bàn tỉnh được đầu tư cải tạo, nâng cấp. 

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ, trong 5 năm qua (2011-2015), vốn đầu tư cho các dự án lĩnh vực giao thông đường bộ của tỉnh đã đạt hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của tỉnh, vượt xa mục tiêu Nghị quyết đề ra, tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông. Chỉ riêng năm 2016, Phú Thọ đã hoàn thành nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; thông xe đường tránh Quốc lộ 32C qua thành phố Việt Trì; các tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32A, nút giao IC7 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cầu Việt Trì - Ba Vì đang được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Công tác phát triển giao thông nông thôn ở các huyện, thành, thị cũng được đặc biệt quan tâm và trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển với 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ cứng hóa đạt 58% trên tổng chiều dài đường giao thông nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc bộ./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm