Kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3:

Phụ nữ Hà Giang giúp nhau phát triển kinh tế từ quỹ tự đóng góp

Phụ nữ Hà Giang giúp nhau phát triển kinh tế từ quỹ tự đóng góp
Chị Nguyễn Thị Liên, người dân tộc Tày, ở thôn Nà Khác A, xã Du Già (Yên Minh, Hà Giang) là gương điển hình trong phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn tự đóng góp của các hội viên phụ nữ xã Du Già. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Chị Nguyễn Thị Liên, người dân tộc Tày, ở thôn Nà Khác A, xã Du Già (Yên Minh, Hà Giang) là gương điển hình trong phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn tự đóng góp của các hội viên phụ nữ xã Du Già. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Gia đình chị Nguyễn Thị Liên, người dân tộc Tày, ở thôn Nà Khác A, xã Du Già, huyện Yên Minh là một trong những điển hình phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn tự đóng góp của các hội viên phụ nữ xã Du Già. Trước kia gia đình chị Liên thuộc hộ nghèo, không có vốn để phát triển kinh tế nên đời sống rất khó khăn. Năm 2014, với 6 triệu đồng vốn vay từ quỹ tự đóng góp của các hội viên, chị Liên đã mua gia súc, gia cầm về chăn nuôi. Đến nay, gia đình đã phát triển được đàn trâu với 7 con, còn lợn luôn duy trì khoảng 15 con trong chuồng; thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/năm. Đây cũng là một trong những gia đình điển hình của phong trào "5 không 3 sạch" (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch môi trường).
Chi hội Phụ nữ xã Du Già họp kiểm tra công tác góp vốn và vay vốn để phát triển kinh tế cho các hội viên. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
 Chi hội Phụ nữ xã Du Già họp kiểm tra công tác góp vốn và vay vốn để phát triển kinh tế cho các hội viên. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Chị Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Du Già cho biết, Hội Liên hiệp phụ nữ xã có rất nhiều hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Để có nguồn vốn phát triển kinh tế, Hội đã vận động hội viên thành lập quỹ bằng việc tự đóng góp hàng tháng, mới đầu chỉ góp 10.000 đồng rồi nâng lên 50.0000 đồng/tháng/hội viên. Đến nay, quỹ tự đóng góp của Hội đã tăng lên gần 70 triệu đồng. “Chúng tôi ưu tiên những hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được vay trước. Từ nguồn vốn này, nhiều chị em trong Hội đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Năm 2014 có tới 70% số hội viên thuộc hộ nghèo, đến nay số hội viên nghèo đã giảm xuống còn 50%”. Theo chị Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Minh đã triển khai nhiều phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Từ đầu năm, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã giao cho các cơ sở hội lựa chọn các mô hình trồng trọt, chăn nuôi điển hình, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từ đó sử dụng nguồn vốn chính sách cho hiệu quả hơn. Một trong các mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế phải kể đến mô hình tiết kiệm tại Hội Liên hiệp phụ nữ xã Du Già. “Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Minh sẽ chỉ đạo các Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng các mô hình, những mô hình nào phù hợp, mang lại hiệu quả cao sẽ tiếp tục được triển khai nhân rộng”, chị Hiên cho biết.
Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm