Phát triển nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát triển nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu
Chính sách phát triển 

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), khí nhà kính là “nông nghiệp có khả năng gia tăng năng suất một cách bền vững, thích ứng trước những tác động của biến đổi khí hậu, giảm/loại bỏ khí nhà kính và đạt được các mục tiêu về an ninh lương thực và phát triển của quốc gia”.

Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành những chính sách kịp thời nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên cả hai phương diện giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu. Đó là Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (2008); Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (2011); Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu (2012); Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2012); Nghị quyết số 24/NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Ngoài việc ban hành các chính sách, Việt Nam cũng tham gia Liên minh toàn cầu về nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH (GACSA), góp phần thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ và cách tiếp cận chính sách đối với nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hành và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về nông nghiệp thông minh; tiếp cận, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật… góp phần thực hiện thành công Đề án Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát triển nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 1
Đã có nhiều mô hình giúp nâng cao năng suất, sản lượng, thu nhập cho người nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: TTXVN

Ở cấp ngành, năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng và ban hành các chính sách ứng phó như Khung chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu (2008) và Kế hoạch hành động ứng phó của ngành giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn 2050. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh các hoạt động giảm thiểu và thích ứng, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 809 ngày 28/3/2011 về việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành giai đoạn 2011 – 2015, với một số nội dung: Lồng ghép biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đối với các lĩnh vực nông nghiệp theo phương châm tích cực giảm phát thải khí nhà kính và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhận thức được tầm quan trọng và tác động tích cực của nông nghiệp thông minh đối với sự phát triển bền vững, Bộ đã có những chủ trương, chính sách thúc đẩy và triển khai các thực hiện nông nghiệp thông minh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều mô hình đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng; nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Một số mô hình tiêu biểu

Qua nghiên cứu và khảo sát thực địa, Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng đã nêu ra một số mô hình tiêu biểu về nông nghiệp thông minh đang được ứng dụng thân thiện với môi trường. Trước hết là Mô hình canh tác lúa ít phái thải khí nhà kính “1 phải - 6 giảm”, được thực hiện từ năm 2010 tại một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang) đã nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng giá trị, tiết kiệm nguồn nước và phát triển bền vững. Theo đó,  “1 phải” là phải sử dụng hạt giống chất lượng cao được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “6 giảm” là lượng hạt giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch và giảm phát thải khí nhà kính.

Khi sử dụng hạt giống đạt chuẩn chất lượng, nông dân có thể giảm lượng giống từ 50 - 80% khối lượng so với nguồn giống chất lượng kém mà năng suất lúa không bị giảm. Để giảm lượng phân đạm nên sử dụng bảng so màu lá lúa kiểm tra định kỳ và xác định “chuẩn màu của giống lúa” để đánh giá đúng nhu cầu sử dụng đạm; cách bón phân cũng phải theo nhu cầu của cây trong từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Đồng thời, cần tận dụng tính đa dạng của thiên địch trong tự nhiên để khống chế dịch hại với cây trồng nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại thuốc này khi cần thiết và phải theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc - đúng liều lượng - đúng lúc, đúng cách); ứng dụng sinh học trong quản lý dịch hại và áp dụng công nghệ sinh thái để thu hút côn trùng...

Bên cạnh đó, lượng nước tưới được tính toán dựa vào nhu cầu của cây trồng trong từng thời kỳ phát triển để vừa tiết kiệm nước vừa đảm bảo sinh trưởng của cây. Trong quá trình thu hoạch, cần lưu ý việc lựa chọn giống có độ rụng hạt ít khi lúa chín, sử dụng thiết bị gặt đập liên hợp vào ngày nắng và sấy để lúa sẽ khô nhanh - đều với khối lượng lớn... để giảm thất thoát. Ngoài ra, khí thải nhà kính chủ yếu do sử dụng lượng phân đạm cao, giữ ngập nước thường xuyên trên ruộng, đốt rơm rạ... nên cần áp dụng các kỹ thuật canh tác như vùi rơm rạ tạo chất hữu cơ trả lại chất dinh dưỡng trong đất; tưới “ngập khô xen kẽ” tạo sự thông thoáng khí trong đất; bón phân đạm cân đối.

Mô hình “1 phải 6 giảm” giúp người nông dân tiết kiệm được 50% giống, 30 - 40% phân hóa học, 30% thuốc bảo vệ thực vật và 20% công lao động; tăng 10% năng suất và 10% lợi nhuận ròng; giảm 20 - 30% lượng phát thải KNK so với phương pháp canh tác truyền thống. Mô hình hiện đã được lồng ghép vào các chương trình nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam như Cánh đồng mẫu lớn, Xây dựng Nông thôn mới... được triển khai ở nhiều vùng miền.

Một mô hình tiêu biểu nữa là sản xuất cà phê bền vững tại khu vực Tây Nguyên, do Tập đoàn Nestle và Cơ quan Hợp tác và phát triển Thụy Sĩ đồng tài trợ cho Dự án sử dụng tưới nước hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Với kinh phí 2 triệu Euro tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắc Lắc, Kom Tum, Đắc Nông, Lâm Đồng) từ năm 2015 - 2019. Dự án đã hỗ trợ quản lý nước hiệu quả cho 50.000 hộ nông dân trồng cà phê tại 5 tỉnh, mục tiêu là bảo đảm lượng nước sẵn có đầy đủ và phân bổ hợp lý cho tất cả các mục đích sử dụng ở khu vực này. Bao gồm tiết kiệm nước; cải thiện đời sống người dân về kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo kết quả đánh giá sơ bộ, việc tưới nước cho cây cà phê đã tiết kiệm được khoảng 30% lượng phân bón không bị thất thoát do tưới nước nhiều trôi đi; 50% chi phí nhân công; 50% chi phí điện, dầu cho máy bơm nước. Đặc biệt, năng suất cà phê tăng khoảng 10%; thu nhập củ người nông dân tăng 14% so với hình thức thâm canh cũ, giảm phát thải khí nhà kính do giảm lượng phân bón.

Đề xuất giải pháp

Tuy vậy, phát triển nông nghiệp thông minh vẫn còn khá mới nhưng là một xu thế quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn ở quy mô toàn cầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, hoạt động sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải giảm khí nhà kính. Nông nghiệp cần phải tận dụng các thành quả của làn sóng công nghệ để có sự chuyển đổi thích hợp, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu mới..

Từ thực trạng ứng dụng các mô hình nông nghiệp thông minh và thực tiễn triển khai các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Song Tùng đề xuất một số kiến nghị nhằm thúc đẩy và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh. Giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức cho các tầng lớp xã hội từ các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về vai trò của phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh, cũng như định hướng tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thông minh trong điều kiện mới của Việt Nam. Đưa chính sách phát triển nông nghiệp thông minh lồng ghép vào các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ cấp quốc gia đến cấp địa phương, ngành. Trước hết là chính sách quản lý đất đai bền vững vào quy hoạch phát triển nông nghiệp; an ninh lương thực, an sinh xã hội, giảm nghèo vào chính sách biến đổi khí hậu; tài chính (ổn định giá, bảo hiểm nông nghiệp…) vào chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời thiết lập và củng cố các thể chế, hỗ trợ phát triển mạng lưới các nhà cung cấp yếu tố “đầu vào” và các dịch vụ trong nông nghiệp như sửa chữa máy móc thiết bị nông nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên, thân thiện với môi trường; cung cấp và duy trì nguồn gen phù hợp với khí hậu. Hỗ trợ tài chính, liên kết, lồng ghép hài hòa giữa tài chính cho biến đổi khí hậu và tài chính nông nghiệp truyền thống  thông qua thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong nông nghiệp. Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu như hệ thống đường giao thông, đê và kè, thủy lợi, hệ thống cảnh báo sớm, bảo trợ xã hội, quản lý rủi ro thiên tai… Ứng dụng công nghệ cho nông nghiệp thông minh, bao gồm nhà kính, tưới tiêu tự động tiết kiệm nước, hệ thống tưới nhỏ giọt, kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, giống chất lượng cao, sau thu hoạch....

Phát triển nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 2
Việt Nam đã và đang triển khai ứng dụng nông nghiệp thông minh để giải quyết các bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: TTXVN
Tiếp tục thực hiện các mô hình thử nghiệm và tập trung triển khai những mô hình nông nghiệp thông minh ở một số vùng lựa chọn, ứng dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với thực tiễn. Thực hiện tái cấu trúc lại các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, phát triển các hộ gia đình cá thể trở thành doanh nghiệp nhỏ, hoặc liên kết hộ gia đình dưới sự quản lý của một doanh nghiệp lớn. Xây dựng chuỗi giá trị, từ nhà sản xuất cho đến các nhà hàng, siêu thị là đầu ra cho sản phẩm. Tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông minh, đặc biệt là mô hình “liên kết 4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học”); có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân tăng thu nhập cùng với hình thành các vùng nông nghiệp thông minh.

Bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp thông minh. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này nói riêng và phát triển bền vững nói chung. Thời gian qua, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện nông nghiệp thông minh. Vì thế, Việt Nam cần tận dụng tối đa những cơ hội này, mặt khác cải thiện môi trường đầu tư vào nông nghiệp, cũng như thu hút hơn nữa sự tham gia của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện nông nghiệp thông minh ở trong nước trong thời gian tới.
Văn Hào 

Có thể bạn quan tâm