Phát triển khởi nghiệp từ nguồn lực trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phát triển khởi nghiệp từ nguồn lực trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh
Để tỷ lệ các “startup” thành công nhiều hơn nữa, các chuyên gia cho rằng cần hỗ trợ phát triển khởi nghiệp từ nguồn lực con người trẻ.
 
Thị trường khởi nghiệp rộng mở
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố năng động của cả nước, thị trường khởi nghiệp còn rất lớn với phạm vi rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ, nhất là thanh niên, sinh viên các trường đại học có nhiều không gian để thử sức, lập nghiệp và thực hiện giấc mơ. Cộng đồng khởi nghiệp nhận đã được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố với các chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và phát triển các ý tưởng kinh doanh.
Anh Đoàn Thiên Phúc (29 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh) đã gặt hái được nhiều thành công với ý tưởng về sản phẩm chống trộm xe máy S-Bike. Hiện anh Phúc là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm Setech Viet (thiết bị chống trộm) và Công ty TNHH Tictag (giải pháp công nghệ). Trong ảnh: Anh Đoàn Thiên Phúc (bên trái) trao đổi công việc cùng cộng sự. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Anh Đoàn Thiên Phúc (29 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh) đã gặt hái được nhiều thành công với ý tưởng về sản phẩm chống trộm xe máy S-Bike. Hiện anh Phúc là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần giải pháp phần mềm Setech Viet (thiết bị chống trộm) và Công ty TNHH Tictag (giải pháp công nghệ). Trong ảnh: Anh Đoàn Thiên Phúc (bên trái) trao đổi công việc cùng cộng sự. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Từ đó, một số học viện, nhà trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập các mô hình ươm tạo khởi nghiệp như: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh… bước đầu đã góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới thương mại hóa các ý tưởng, sản phẩm của các sinh viên.
  
Bên cạnh đó, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Vườn ươm doanh nghiệp Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh … cũng là nơi ươm mầm, là nền tảng quan trọng với hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.        
 
Qua khảo sát của Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trên 500 “start ups”, từ năm 2016 đến nay, xu hướng khởi nghiệp có sự tập trung rõ nét với khoảng 50% ở lĩnh vực công nghệ hoặc có ứng dụng công nghệ, 20% khởi nghiệp ở lĩnh vực thương mại hay dịch vụ.

Tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp với khoảng 16%, còn lại là giáo dục, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác. Những con số này, có thể phần nào phản ánh xu hướng khởi nghiệp hiện tại của giới trẻ. Làn sóng khởi nghiệp công nghệ vẫn đang tiếp tục chiếm ưu thế, nổi bật nhất là xu hướng IOT (internet of things - internet kết nối vạn vật), ứng dụng công nghệ vào kinh doanh truyền thống, vào ngành bán lẻ, dịch vụ và nông nghiệp sạch…
 
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (BSSC), Trung tâm luôn tạo điều kiện cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ kinh doanh thông qua các chương trình sàn giao dịch khởi nghiệp. Đồng thời, thiết lập với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và quốc tế, triển khai nền tảng khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn nhân lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp… BSSC là đơn vị duy nhất nhận được sự ủy thác nguồn vốn từ UBND  Thành phố Hồ Chí Minh cho hoạt động hỗ trợ thanh niên thành phố khởi nghiệp. Trung bình mỗi năm, BSSC xét chọn và hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng cho các dự án kinh doanh tiềm năng.
 
Từ đó, rất nhiều gương thanh niên khởi nghiệp với nhiều dự án, mô hình kinh doanh, dịch vụ khác nhau như: Giải pháp đèn đường thông minh S3 của bạn trẻ Phan Minh Hiếu (Công ty cổ phần Công nghệ S3) giúp tiết kiệm điện tiêu thụ từ 40 đến 70%, giảm chi phí hệ thống đèn chiếu sáng công cộng. Hay Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của các bạn trẻ Công ty TNHH Mimosa Technology (MimosaTEK) do Nguyễn Khắc Minh Trí sáng lập sẽ giúp người nông dân có thể hoàn tất công việc tưới vườn cây dù ở bất kỳ đâu với một thiết bị thông minh kết nối internet…
  
Khởi nghiệp từ nguồn lực con người
Trong vài năm trở lại đây, khởi nghiệp trên cả nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng diễn ra rất sôi động, nhận được sự quan tâm của chính phủ và xã hội. Tuy nhiên, số lượng các “start up” lại không đi cùng chất lượng khi có đến 75% các dự án, công ty khởi nghiệp gặp thất bại.
 
Các chuyên gia cho rằng, để một doanh nghiệp khởi nghiệp có thể “sống sót” sau quá trình khởi nghiệp rất cần đến sự hỗ trợ từ các vườn ươm. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động của các vườn ươm hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ mặt bằng, không gian cho công ty khởi nghiệp, chưa tạo được sự kết nối, hỗ trợ hoạt động cho các công ty khởi nghiệp. Vì vậy, cần thêm những gói hỗ trợ để nuôi dưỡng những nhóm khởi nghiệp có ý tưởng ban đầu tốt.
 
Theo ông Lê Nhật Quang, Trưởng phòng marketing (Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), các quỹ đầu tư hiện nay chủ yếu tập trung cho giai đoạn sau mà không “mặn mà” với giai đoạn đầu khởi nghiệp vì nhiều rủi ro và không sinh lợi ngay. Do vậy, những chương trình của Chính phủ nên tập trung vào giai đoạn này để cung cấp nhiều hơn số lượng start up ở giai đoạn đầu, vì để có nhiều "start up" chất lượng về sau thì cần phải xuất phát từ những giai đoạn dưới, nhất là phát triển năng lực khởi nghiệp từ những sinh viên trẻ.
 
Bên cạnh đó, lý do thất bại lớn nhất của các khởi nghiệp trong thời gian qua, theo ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc SuperVIP, đồng sáng lập Group Quản trị và khởi nghiệp, đó là thiếu thị trường hoặc có thị trường nhưng thiếu sức cạnh tranh. Khởi nghiệp là phải tạo ra sản phẩm, dịch vụ mà thị trường cần nhưng các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay chưa thực sự chú trọng việc nghiên cứu thị trường.
  
Những ý tưởng dù có cao siêu thế nào, công nghệ có tiên tiến đến mấy nhưng không được thị trường chấp nhận thì sản phẩm, giải pháp đó chưa thể tạo ra lợi nhuận. Mặt khác, nhiều bạn trẻ rất đam mê, khát khao khởi nghiệp nhưng cái đam mê đó giống như ngọn lửa bùng lên các bạn không thật sự kiên trì, không dám chấp nhận thất bại...
 
“Việt Nam cần khởi nghiệp từ nguồn lực con người. Đó là những người trẻ đam mê công nghệ. Với sự phát triển công nghệ hiện nay, “sân chơi” giữa Việt Nam và các quốc gia khác trong lĩnh vực này gần như ngang bằng nhau. Do đó, những bạn trẻ khởi nghiệp đều có thể thử sức ở mảng công nghệ để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá”, ông Lâm Minh Chánh nhấn mạnh.
 
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc điều hành Công ty Berjaya Việt Nam, khởi nghiệp là khát khao chính đáng của rất nhiều người nhưng các bạn trẻ không nên nôn nóng bởi nền tảng cơ bản về văn hóa, chuyên môn rất quan trọng, không nên bỏ học để khởi nghiệp. Tuy nhiên, có thể khởi nghiệp ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, có thể khởi nghiệp bằng ý tưởng, bằng sự giúp việc cho những người người khởi nghiệp đi trước, từ đó sẽ chọn được con đường khởi nghiệp phù hợp nhất.
 
Vấn đề các bạn trẻ hay gặp đại đa số khi khởi nghiệp là thiếu vốn. Tuy nhiên, trong khởi nghiệp có 3 định hướng kinh doanh: ý tưởng – công nghệ, con người và tiền. Một khi đã vững chắc 2 định hướng trên thì cái định hướng thứ 3 không phải là quá khó, bởi có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia nếu ý tưởng của các bạn trẻ khả thi…/.
  Việt Âu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm