Phát huy vai trò tích cực của báo chí và các cơ quan dân cử trong công tác phòng, chống tham nhũng

Phát huy vai trò tích cực của báo chí và các cơ quan dân cử trong công tác phòng, chống tham nhũng
Quanh cảnh hội nghị. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
 Quanh cảnh hội nghị. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Bá, Vụ trưởng phụ trách công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, tình hình an ninh chính trị trong nước và thế giới năm 2019 tiếp tục có những diễn biến phức tạp nên các cấp, ngành cần đặc biệt lưu ý; nhất là đối với công tác nội chính, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Theo ông Phan Bá, An Giang là tỉnh có đường biên giới dài tiếp giáp với nước bạn Campuchia; dân số đông, gồm nhiều dân tộc, tôn giáo, nên công tác nội chính thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề cần quan tâm. Vụ trưởng phụ trách công tác phía Nam Phan Bá đề nghị thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang và các ngành trong khối nội chính của tỉnh cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự chủ động tích cực tham mưu của cơ quan chuyên môn trước các vấn đề có tính nổi cộm về an ninh biên giới, tôn giáo, dân tộc, nhất là an ninh nông thôn, kịp thời tìm ra những giải pháp xử lý tình huống phát sinh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội mà người dân quan tâm nhằm đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh và của đất nước. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức, quyết tâm cao trong hành động của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt,tỉnh thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc sai phạm liên quan đến tình trạng “tham nhũng vặt”, sự gia tăng của tội phạm liên quan đến ma túy và “tín dụng đen”… theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, An Giang cần phát huy vai trò tích cực của báo chí, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực, tạo sự đồng thuận và khơi dậy niềm tin trong nhân dân; phát huy trách nhiệm, vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Lưu Vĩnh Nguyên, năm 2018, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả hoạt động gây rối, chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động bất ngờ, hình thành điểm nóng về an ninh trật tự. Ngành chức năng triển khai kế hoạch ra quân trấn áp các loại tội phạm, nhất là đấu tranh triệt phá nhiều vụ án nghiêm trọng và tệ nạn xã hội; tăng cường tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ… Công tác cải cách tư pháp ngày càng đi vào thực chất; việc điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các loại án chặt chẽ, đúng trình tự thủ tục theo quy định. Chất lượng tranh tụng của kiểm soát viên tại phiên tòa; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên. Công tác thi hành án dân sự tiếp tục có chuyển biến tích cực, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của ngành… Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong năm, các cấp, ngành đã thực hiện 40 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 55 đơn vị; qua đó phát hiện 1 vụ có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, chuyển cơ quan điều tra làm rõ và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra. Ngoài ra, vụ  sai phạm về quản lý tài chính tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã được Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên chỉ đạo giải quyết, kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý 20 vụ án, với 38 bị can (trong đó có 9 vụ, với 12 bị can từ năm trước chuyển sang); giải quyết 18 vụ, với 36 bị can, còn 2 vụ, 2 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân thụ lý 18 vụ, với 36 bị can, đã giải quyết truy tố xong. Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 21 vụ, với 42 bị cáo (trong đó có 3 vụ, với 6 bị cáo từ năm trước chuyển sang); đã xét xử 17 vụ, với 26 bị cáo...
Công Mạo

Có thể bạn quan tâm