Phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định

Phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, ổn định
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, hội thảo nhằm đề ra những giải pháp giúp phụ nữ hai tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Bản thỏa thuận hợp tác "Vì hòa bình và phát triển”. Đặc biệt là đề xuất hoạt động cụ thể để tham gia xây dựng biên giới hai nước hòa bình, hợp tác hữu nghị.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị, phụ nữ hai tỉnh tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng Biên phòng và già làng để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật, tham gia quản lý đường biên, cột mốc. Các hình thức tuyên truyền phải linh hoạt, đa dạng thông qua sách, báo, tài liệu, pa nô, áp phích, tờ rơi, tuyên truyền miệng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Ngoài ra xây dựng các phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới, biểu dương thôn xóm văn hóa, tổ chức làm kinh tế giỏi...

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tặng quà lưu niệm cho Sở Công tác phụ nữ tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tặng quà lưu niệm cho Sở Công tác phụ nữ tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
Tại hội thảo, đại diện phụ nữ hai tỉnh cùng các cấp chính quyền, đồn Biên phòng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về một số vấn đề như: Công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật, không vi phạm quy chế biên giới trên địa bàn xã Ia Rvê, huyện Ea Súp; công tác đối ngoại nhân dân đối với các tổ chức chính trị - xã hội; vai trò của phụ nữ trong giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định.

Giám đốc Sở Công tác phụ nữ tỉnh Mondulkiri (Campuchia) Mali Sokny đề xuất, hai bên cần nghiên cứu, tổ chức các chương trình chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp đỡ phụ nữ hai tỉnh, nhất là chị em điều kiện khó khăn có thêm cơ hội phát triển kinh tế. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ phụ nữ tỉnh Mondulkiri nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong các hoạt động, giúp hội viên đạt hiệu quả cao hơn trong công tác.

Tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) có đường biên giới dài 73 km, địa bàn tiếp giáp giữa 4 xã của các huyện Buôn Đôn, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và hai xã của huyện Koh Nhec (tỉnh Mondulkiri). Trên cơ sở thực hiện các hiệp ước, hiệp định của Chính phủ hai nước, Hội phụ nữ hai tỉnh đã ký kết, triển khai Bản thỏa thuận hợp tác "Vì hòa bình và phát triển”, giai đoạn 2017 - 2020.

Hội Phụ nữ mỗi tỉnh đã phát động và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua trong hội viên, phụ nữ nhằm tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; nhân rộng mô hình, câu lạc bộ “Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”; phòng chống vượt biên trái phép, xây dựng các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”. Hội phụ nữ mỗi tỉnh còn phối hợp với các Đồn Biên phòng và lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động xóa mù chữ, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, tăng cường quản lý, bảo vệ đường biên giới, trao đổi thông tin, xử lý các vấn đề phát sinh trên biên giới, phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững…

Sau 2 năm ký kết bản thỏa thuận đã từng bước xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa phụ nữ hai tỉnh nói riêng và nhân dân sinh sống ở khu vực biên giới hai tỉnh nói chung, góp phần đảm bảo an ninh vùng biên giới.

Trước đó, ngày 8/10, Đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã thăm, làm việc tại xã Srê Hui, huyện Koh Nhec, tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Đoàn đã trao tặng vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 5 hội viên phụ nữ, với tổng số vốn 100 triệu đồng; tặng 100 suất quà cho các hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế giữa phụ nữ hai tỉnh.
Hoài Thu

Có thể bạn quan tâm