Phát hiện 3 hành tinh có thể hỗ trợ sự sống

Phát hiện 3 hành tinh có thể hỗ trợ sự sống
Hình ảnh minh họa một trong ba hành tinh ngoài hành tinh mới được phát hiện.
Hình ảnh minh họa một trong ba hành tinh ngoài hành tinh mới được phát hiện.

Một nhóm các nhà thiên văn học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học California (San Diego) ở Mỹ và Đại học Liège ở Bỉ vừa phát hiện 3 hành tinh, có kích thước tương đương Trái đất, quay quanh một ngôi sao mờ và lạnh chỉ lớn hơn sao Mộc, có khả năng có sự sống.
 
“Những kiểu ngôi sao lạnh, nhỏ có thể là những nơi đầu tiên chúng ta nên chú ý khi tìm kiếm trong vũ trụ, bởi đó có thể là nơi duy nhất phát hiện sự sống trên các hành tinh xa xôi có kích thước tương đương với Trái đất bằng công nghệ hiện đại ngày nay”, Michaël Gillon, tác giả của nhóm nghiên cứu và là nhà thiên văn học tại Đại học Liège, viết trên Space.com.
 
Các nhà thiên văn đã tập trung vào một ngôi sao lúc đầu có tên là 2MASS J23062928-0502285, được phát hiện nhờ kính viễn vọng Trappist tại Đài thiên văn ở Chile. Ngôi sao mờ lạnh này, nay được gọi là Trappist-1, nằm trong chòm sao Aquarius (Bảo Bình), cách Trái đất khoảng 39 năm ánh sáng. Trong khi đó, chòm Alpha Centauri gần nhất, cách Trái đất khoảng 4,3 năm ánh sáng.
 
So với Mặt trời, Trappist-1 là ngôi sao có độ sáng kém 2.000 lần, nhiệt độ chỉ bằng gần một nửa, khối lượng vào khoảng một phần mười hai và đường kính nhỏ hơn tám lần (chỉ lớn hơn đường kính sao Mộc một chút). Trappist-1 thuộc loại sao lùn siêu lạnh, khá phổ biến trong Dải Ngân hà, chiếm khoảng 15% số lượng các ngôi sao gần Mặt trời.
 
Các nhà khoa học đã phát hiện ra ba hành tinh của ngôi sao TRAPPIST-1 khi nó mờ nhẹ đều đặn theo một khoảng thời gian, dấu hiệu chứng tỏ có vài vật thể trong quỹ đạo của ngôi sao đi ngang qua giữa nó và Trái đất. Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm thấy các hành tinh xa xôi, được gọi là ngoại hành tinh, quay xung quanh một ngôi sao lùn siêu lạnh, nhóm các nhà khoa học cho biết.
 
Ảnh minh họa hệ ba hành tinh Trappist-1.
Ảnh minh họa hệ ba hành tinh Trappist-1.

“Cho đến nay, sự tồn tại của các hành tinh quay quanh một ngôi sao lùn siêu lạnh như vậy hoàn toàn chỉ trên lý thuyết, nhưng nay chúng ta không chỉ có một hành tinh cô đơn quay xung quanh một ngôi sao như vậy, mà là cả một hệ hoàn chỉnh ba hành tinh”, đồng tác giả nghiên cứu, nhà thiên văn học tại Đại học Liège Emmanuel Jehin, tuyên bố. Cả ba hành tinh này đều có đường kính chỉ lớn hơn Trái đất khoảng 10%. “Các dạng hành tinh mà chúng ta vừa tìm thấy rất thú vị trên phương diện tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất trong vũ trụ”, đồng tác giả, nhà nghiên cứu Adam Burgasser tại Đại học California, San Diego, cho biết thêm.
 
Hai hành tinh nằm trong cùng gần ngôi sao của chúng hơn so với từ Trái đất đến Mặt trời khoảng 60-90 lần, với độ dài quỹ đạo lần lượt chỉ là 1,5 và 2,4 ngày. Quỹ đạo của hành tinh thứ ba hiện chưa chắc chắn, dao động trong khoảng 4,5 và 73 ngày. Kích thước nhỏ của các ngôi sao và quỹ đạo hành tinh của chúng “có nghĩa là cấu trúc của hệ hành tinh này tương đương với hệ các Mặt trăng của sao Mộc nhiều hơn so với hệ Mặt trời”, ông Gillon nói trong một tuyên bố.
 
Mặc dù cả ba hành tinh có quỹ đạo rất gần ngôi sao của chúng, hai hành tinh bên trong nhận được lượng bức xạ lần lượt bằng bốn và hai lần lượng bức xạ mà Trái đất nhận được từ Mặt trời, mặc dù ngôi sao của chúng mờ nhạt hơn Mặt trời nhiều. Còn hành tinh thứ ba bên ngoài có thể nhận được lượng ít bức xạ hơn so với Trái đất, các nhà nghiên cứu cho biết.
 
Với khoảng cách gần với ngôi sao Trappist-1, các nhà nghiên cứu cho rằng lực hấp dẫn của Trappist-1 có khả năng “khóa thủy triều” bộ ba hành tinh này, buộc chúng quay xung quanh. Khi một hành tinh bị một ngôi sao khóa thủy triều, nó sẽ luôn hiện ra cùng một phía với ngôi sao, giống như Mặt trăng luôn hiện ra một phía với Trái đất, khiến nó luôn có một nửa là ngày và một nửa là đêm.
 
Hành tinh thứ ba xa nhất của Trappist-1 có thể nằm trong vùng có sự sống của ngôi sao - nơi có bề mặt đủ ấm để có nước lỏng, một thành phần quan trọng cho sự sống như từng được biết đến trên Trái đất. Hai hành tinh gần nhất với Trappist-1 có thể có ban ngày quá nóng còn ban đêm thì quá lạnh để sự sống có thể tồn tại, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng vùng giáp ranh giữa ngày và đêm của chúng có thể có điều kiện đủ ôn hòa cho sự sống.
 
Hầu hết các sứ mệnh săn tìm các hành tinh ngoại đã tập trung vào việc tìm kiếm các hệ thống quay quanh một ngôi sao như Mặt trời phát ra ánh sáng nhìn thấy, nhưng những ngôi sao này có thể quá sáng để triệt tiêu các mầm mống của sự sống trên các hành tinh của chúng, các nhà nghiên cứu cho biết. Ngược lại, các ngôi sao lùn lạnh chủ yếu phát ra ánh sáng hồng ngoại và rất mờ nhạt sẽ không áp đảo các mầm mống sự sống trên các hành tinh của chúng. Kính thiên văn Trappist được thiết kế nhằm tìm kiếm các hành tinh quanh khoảng 60 ngôi sao lùn siêu lạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
“Việc phát hiện những hành tinh quanh ngôi sao Trappist-1 có thể tăng cường việc tìm kiếm thêm các hành tinh xung quanh các ngôi sao lùn siêu lạnh”, ông Gillon nói. Một cuộc phiêu lưu khoa học đầy thú vị đang bắt đầu.
 
“Do các hành tinh xung quanh Trappist-1 là tương đối gần, với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, các nhà khoa học có thể phân tích các thành phần khí quyển của chúng và đánh giá nếu chúng thực sự có sự sống”, thành viên nhóm nghiên cứu, nhà khoa học hành tinh tại MIT Julien de Wit, nói.
 
Khối lượng của những hành tinh này hiện vẫn chưa được biết, nhưng những nghiên cứu trong tương lai có thể xác định được lực hấp dẫn của chúng, giúp suy ra khối lượng, từ đó sẽ giúp các nhà khoa học ước tính được tỷ trọng của các hành tinh này, ông Gillon cho biết. “Chúng ta có thể biết nếu các hành tinh đó là đá, hoặc nhiều băng như các Mặt trăng của sao Mộc, hoặc giàu kim loại như sao Thủy”, ông nói thêm.
 
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, các kính viễn vọng không gian Hubble và James Webb sắp tới có thể giúp phân tích khí quyển của những hành tinh này để tìm kiếm các phân tử có liên quan với sự sống, như nước, carbon dioxide và ozon. “Bây giờ chúng ta sẽ khảo sát xem nếu có sự sống ở đó”, ông Julien de Wit de Wit cho biết.
 
Phát hiện này đã được đăng trên Tạp chí Nature.

Có thể bạn quan tâm