Ô nhiễm nguồn nước tại bản Nà Bỏ (Lai Châu)

Ô nhiễm nguồn nước tại bản Nà Bỏ (Lai Châu)
Người dân lập chốt, phản đối không cho xe chở rác vào bãi xử lý rác thải của thành phố. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Người dân lập chốt, phản đối không cho xe chở rác vào bãi xử lý rác thải của thành phố. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Nhiều người dân cho biết, cha ông họ lập bản sinh sống tại đây từ nhiều đời nay. Nguồn nước đầu bản là nguồn nước chính phục vụ cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của hơn 120 hộ dân với 600 nhân khẩu trong bản. Kể từ khi tỉnh Lai Châu quy hoạch bãi rác Phan Lìn bên kia sườn núi, phía đầu nguồn, cách bản khoảng 800 m thì nguồn nước này của bản đã bị ô nhiễm.

Do nguồn nước bị ô nhiễm của bãi xử lý rác thải thành phố gây ra làm cho cá chết hoàng loạt người dân đành bỏ hoang tại bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Do nguồn nước bị ô nhiễm của bãi xử lý rác thải thành phố gây ra làm cho cá chết hoàng loạt người dân đành bỏ hoang tại bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường  đã xảy ra cách đây 5 năm. Sau nhiều lần người dân có ý kiến phản ánh đến các cấp chính quyền, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, lập phương án bố trí nguồn nước đảm bảo vệ sinh cho người dân.

Từ nguồn ngân sách nhà nước, địa phương đã xây dựng hai phương án là đào giếng đất và cấp nước từ nguồn khác (có thu tiền), nhưng đến nay các nguồn nước này người dân đều không được sử dụng vì không có nước. Hơn một năm nay, người dân nơi đây phải bỏ số tiền vài trăm nghìn đồng mỗi tháng để đi mua nước về phục vụ ăn uống, còn việc tắm giặt vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ mó nước của bản.

Khu vực đổ rác và xử lý rác thải do Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Lai Châu xử lý. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Khu vực đổ rác và xử lý rác thải do Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Lai Châu xử lý. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Ông Lèng Văn Sin, một người dân bản Nà Bỏ cho biết: Nhiều tháng nay, hộ có điều kiện thì bỏ tiền đi mua nước về sử dụng, hộ không có điều kiện phải sử dụng nguồn nước này cho cả sinh hoạt và tắm giặt. Việc này đã làm nhiều người trong bản bị ốm và mắc các chứng bệnh ngứa ngoài da. Đặc biệt, nước ô nhiễm đã làm nhiều diện tích ao cá và đất lúa của người dân phải bỏ hoang do cá chết, mất mùa.

Người dân bản Nà Bỏ cho rằng, từ khi có bãi rác này, vệ sinh của nguồn nước bị kém đi, gia súc và vật nuôi hay bị bệnh. Người dân nơi đây không thể tiếp tục sử dụng được nguồn nước này bởi mỗi khi mưa xuống, nước đục ngầu và có mùi hôi thối.

Cũng trong ngày 17/4, bộ phận tiếp dân của tỉnh Lai Châu, chính quyền và các lực lượng chức năng huyện Tam Đường đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân và vận động người dân rút khỏi hiện trường. Đồng thời, địa phương cũng tổ chức một đoàn khảo sát tìm nguồn nước mới để cấp cho hơn 600 nhân khẩu nơi đây trong thời gian tới.

Người dân của bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường dựng lều, lập chốt không cho xe chở rác vào bãi xử lý rác (ảnh chụp ngày 17/4). Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Người dân của bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường dựng lều, lập chốt không cho xe chở rác vào bãi xử lý rác (ảnh chụp ngày 17/4). Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Theo đó, địa phương đã tìm được một nguồn nước đầu mối khác cách bể xử lý ở bản khoảng 1,7 km. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Tam Đường, việc đưa nguồn nước này về cho người dân sử dụng phải cần thời gian. Trong khi chờ nguồn nước mới để cung cấp cho người dân bản Nà Bỏ sinh hoạt và sản xuất, hơn 100 hộ dân nơi đây vẫn phải bỏ tiền ra mua nước và "nhắm mắt" sử dụng nguồn nước đã ô nhiễm.
Quý Trung

Có thể bạn quan tâm