Nông dân Đắk Lắk gồng mình chống hạn cho cây trồng

Nông dân Đắk Lắk gồng mình chống hạn cho cây trồng
Hồ thủy lợi Ea Juô, huyện Krông Bông cạn “trơ đáy” không còn khả năng cung cấp nước tưới tiêu. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Hồ thủy lợi Ea Juô, huyện Krông Bông cạn “trơ đáy” không còn khả năng cung cấp nước tưới tiêu. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 ha cây trồng chủ yếu là lúa nước và hoa màu bị thiệt hại do hạn hán. Toàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi (118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa) nhưng mực nước của nhiều công trình đang giảm nhanh do quá trình phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng. Các hồ chứa nhỏ, lượng nước trữ còn dưới 40% dung tích thiết kế, trong đó có 19 hồ cạn khô. Các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng 50 - 70% dung tích thiết kế.

Đồng ruộng của người dân xã Ea Trul, huyện Krông Bông nứt nẻ do hạn hán. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Đồng ruộng của người dân xã Ea Trul, huyện Krông Bông nứt nẻ do hạn hán. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ông Bùi Văn Ni, xã Ea Trul, huyện Krông Bông cho biết: Kinh tế chủ lực của địa phương là trồng lúa nước. Vì vậy, nguồn nước ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của nông dân. Nhiều tháng qua, địa bàn xã không có mưa, nguồn nước từ hồ thủy lợi cạn kiệt dần, một số diện tích lúa bị chết do khô hạn. Nhiều diện tích lúa đang thiếu nước trầm trọng, nếu trong tháng tới không có mưa, nông dân đứng trước nguy cơ mất trắng vụ lúa.

“Những năm trước đây, vào mùa khô ở Tây Nguyên, mặc dù có nắng nóng nhưng không đến mức hạn hán làm nứt nẻ đồng ruộng, cây lúa chết khô vì thiếu nước tưới. Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến khó lường, nông dân phải gồng mình chống chọi với hạn hán, chỉ hy vọng giảm bớt thiệt hại về kinh tế. Vụ Đông Xuân này, gia đình tôi trồng 4 sào lúa, hiện cũng bị thiếu nước trầm trọng. Nếu duy trì được đến lúc thu hoạch chỉ thu được khoảng 5 tạ lúa, giảm 50% sản lượng so với năm trước”, ông Bùi Văn Ni nói.

Người dân đưa máy bơm xuống đáy hồ thủy lợi Ea Juô, huyện Krông Bông để bơm những vũng nước cuối cùng của hồ. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Người dân đưa máy bơm xuống đáy hồ thủy lợi Ea Juô, huyện Krông Bông để bơm những vũng nước cuối cùng của hồ. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông Đinh Văn Tiến cho biết: Tình trạng hạn hán năm nay diễn biến phức tạp. Ngay đầu mùa khô, nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn huyện đã cạn kiệt nguồn nước, không còn khả năng phục vụ tưới tiêu. Đến nay, địa bàn huyện có gần 400 ha cây trồng như lúa nước, ngô, sắn… tại các xã Cư Pui, Ea Trul, Cư Đrăm, Yang Mao bị thiệt hại do hạn hán. Địa phương đang lên phương án điều tiết nguồn nước phục vụ cho diện tích cây trồng còn cứu được nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Người dân lắp đường ống để bơm những vũng nước cuối cùng của hồ thủy lợi Ea Juô, huyện Krông Bông. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Người dân lắp đường ống để bơm những vũng nước cuối cùng của hồ thủy lợi Ea Juô, huyện Krông Bông. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Anh K’Pá Hồng, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo cho biết, gia đình anh có hơn 5 sào cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Hiện nay, anh rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước tưới vì hệ thống hồ, đập đã dần cạn kiệt do nắng nóng kéo dài.

Nhiều diện tích lúa nước của người dân xã Ea Trul, huyện Krông Bông bị chết do thiếu nước người dân dùng làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Nhiều diện tích lúa nước của người dân xã Ea Trul, huyện Krông Bông bị chết do thiếu nước người dân dùng làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Theo cảnh báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 3 đến tháng 5/2020, hạn hán có thể xảy ra diện rộng trên địa bàn tỉnh, tập trung ở một số nơi như huyện Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp khi nhiều hồ chứa bị khô cạn. Ngoài ra, nhiều trạm bơm không còn nguồn để bơm tưới, một số vùng không còn nguồn nước ngầm để khai thác.

Thời gian tới, tình hình hạn hán có thể diễn biến phức tạp. Tỉnh Đắk Lắk đã lên phương án chủ động ứng phó. Tỉnh chỉ đạo chính quyền các huyện, xã nhanh chóng rà soát, đánh giá nguồn nước thực tế trên các hồ, đập, sông, suối, nguồn nước ngầm của từng vùng, khu vực để chủ động điều tiết, khai thác hợp lý. Tỉnh quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, không để rò rỉ gây tổn thất, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng ruộng của người dân xã Ea Trul, huyện Krông Bông nứt nẻ do hạn hán khiến nhiều diện tích lúa bị chết. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Đồng ruộng của người dân xã Ea Trul, huyện Krông Bông nứt nẻ do hạn hán khiến nhiều diện tích lúa bị chết. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Bên cạnh đó, các địa phương huy động lực lượng tổ chức khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương đảm bảo dẫn nước tới đồng ruộng, kiểm tra tuyến kênh mương nội đồng để chống thất thoát nguồn nước; căn cứ vào tình hình thực tế để đặt trạm bơm dã chiến.

Ngành chức năng chuẩn bị máy bơm nước, thiết bị và nhiên liệu sẵn sàng bơm chống hạn khi cần thiết; chủ động bố trí kinh phí để tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi, xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng. Công tác tuyên truyền được tăng cường nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích người dân áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, nhỏ giọt, sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Tuấn Anh

Có thể bạn quan tâm