Nỗ lực xử lý dioxin tồn lưu ở A Lưới-Thừa Thiên Huế

Nỗ lực xử lý dioxin tồn lưu ở A Lưới-Thừa Thiên Huế
Theo báo cáo của các chuyên gia Hàn Quốc và báo cáo giám sát, phản biện của các nhà khoa học Việt Nam: Hoạt động thử nghiệm tẩy độc dioxin tồn lưu trong đất, trên diện tích 100m2 ở độ sâu 1m, tại sân bay A Sho, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) bằng chủng vi sinh của Hàn Quốc đã có kết quả khả quan, hiệu suất thử nghiệm đạt tới 35%. Cụ thể là nồng độ dioxin sau chiến tranh gần nửa thế kỷ vẫn tồn lưu 161,65pg – TEQ/g, sau khi xử lí đã xuống 104,93 – TEQ/g.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho rằng, trên cơ sở kết quả thử nghiệm đạt được, đã chứng tỏ năng lực và những cố gắng của các chuyên gia Hàn Quốc; đồng thời cần tăng cường hợp tác, tẩy độc dioxin còn tồn lưu ở huyện A Lưới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bởi việc này không chỉ đơn thuần là tẩy độc, mà còn là hành động chi ân đối với một vùng quê cách mạng, vùng đồng bào các dân tộc ít người đã hứng chịu rất nhiều bom đạn và chất độc hóa học trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tuy huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế không phải là điểm nóng ô nhiễm dioxin như Biên Hòa, Đà Nẵng, nhưng gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, đồng bào nơi đây rất cần có những công bố khoa học và xử lí dứt điểm dioxin còn tồn lưu để yên tâm sản xuất, phát triển thành một vùng kinh tế trọng điểm, một địa chỉ tin cậy về lương thực, thực phẩm.

Cùng với việc đề xuất xây dựng Khu chứng tích chiến tranh hóa học tại A Lưới, Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến -  nhà tài trợ chính đã gửi tới UBND huyện A Lưới một số tiền tượng trưng để xây dựng Khu chứng tích này. Một số đơn vị thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, Quỹ Trái tim vàng Việt Nam, Công ty Cổ phần phát triển công nghệ Sinh Phú, Trung tâm Phát triển Cộng đồng bền vững gửi quà tặng 30 gia đình nạn nhân dioxin và 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước của địa phương. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tặng Bằng khen cho UBND xã A Đớt về thành tích bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua giữ gìn nghề dệt thổ cẩm “Dèng” của người Tà Ôi; tặng Bằng khen cho UBND xã Đông Sơn đã có thành tích phối hợp tổ chức thành công phương pháp tẩy độc dioxin.
Quang Chính 

Có thể bạn quan tâm