Ninh Thuận thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Ninh Thuận thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo
Hiện tại, tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án điện gió có tổng công suất 514 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 19.702 tỷ đồng. Đến nay, có 4 dự án điện gió đã khởi công xây dựng với tổng công suất 208.1 MW, gồm các nhà máy: điện gió Mũi Dinh (công suất 37,6 MW), điện gió Công Hải 1 (công suất 40,5 MW), điện gió Trung Nam (công suất 90 MW), điện gió Đầm Nại (công suất 40 MW).

Các đơn vị hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của dự án. Riêng nhà máy điện gió Đầm Nại đã hoàn thành lắp đặt 3 trụ turbine (giai đoạn 1) với công suất 6 MW và chính thức đóng điện hòa vào lưới điện Quốc gia vào cuối tháng 9/2017. Sau khi hoàn thành 3 trụ turbine đầu tiên, đơn vị thi công sẽ tiếp tục xây dựng 13 trụ turbine còn lại, dự kiến vào tháng 10/2018 toàn bộ 16 turbine của dự án nhà máy điện gió Đầm Nại sẽ đi vào hoạt động nâng tổng công suất lên 40 MW.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án điện mặt trời với công suất 150 MW và chấp thuận địa điểm khảo sát đầu tư cho 30 dự án. Hiện tại, tỉnh đang hoàn chỉnh bổ sung hồ sơ “Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trình Bộ Công Thương phê duyệt. Điều này nhằm tạo cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư và tranh thủ nguồn lực Trung ương đầu tư hệ thống truyền tải điện sản xuất từ năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cho biết, tỉnh chủ trương vận dụng tối đa mức hỗ trợ cao nhất theo quy định của Chính phủ cho các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về giảm giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, đầu tư hạ tầng. Cụ thể, các dự án đầu tư năng lượng tái tạo vào tỉnh sẽ được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê (suốt đời dự án), được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% theo suốt đời dự án và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, dự án được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận Phạm Đăng Thành cho hay, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nhằm khai thác tối đa lợi thế nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Ninh Thuận xác định phát triển năng lượng tái tạo là một lợi thế để tạo sự đột phá thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Mỗi một dự án đầu tư, tỉnh luôn xem xét gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo đảm môi trường sinh thái.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy năng lượng điện gió với tổng công suất 1.429 MW, điện mặt trời khoảng 4.848 MW. Đối với quỹ đất dự kiến đưa vào quy hoạch phát triển điện mặt trời, tỉnh sẽ chủ yếu sử dụng đất không có khả năng sản xuất nông nghiệp, không có điều kiện cải tạo thủy lợi để đưa vào sản xuất, đất xen kẽ trong các dự án điện gió, trên lòng hồ thủy lợi.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), tỉnh Ninh Thuận có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/giây rất lý tưởng để phát triển điện gió. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 đến 9,6 m/giây, đảm bảo ổn định cho turbine gió phát điện. Ninh Thuận có số giờ nắng trung bình 7,7 giờ mỗi ngày với cường độ ánh sáng lớn, lượng bức xạ mặt trời trên 230 kcal/cm2/năm rất thuận lợi để phát triển điện mặt trời.

Năm nay và những năm tiếp theo, Ninh Thuận tiếp tục ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư đủ tiềm lực, kinh nghiệm và công nghệ đến đầu tư vào lĩnh vực điện gió, điện mặt trời. Năng lượng tái tạo sẽ là đòn bẩy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm