Ninh Thuận hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

Ninh Thuận hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
Nước mắm cá cơm truyền thống Xứ Phan loại thượng hạng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
 Nước mắm cá cơm truyền thống Xứ Phan loại thượng hạng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm Năm 2017, sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống Xứ Phan loại thượng hạng của hộ kinh doanh Xứ Phan là 1 trong 10 đơn vị được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Ninh Thuận. Với uy tín sản phẩm được xây dựng trong nhiều năm, thương hiệu nước mắm Xứ Phan trở thành sản phẩm quen thuộc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị Trần Gia Minh Châu, chủ hộ kinh doanh Xứ Phan cho biết, trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất, cung cấp cho thị trường trên 4.000 lít nước mắm truyền thống và 3.500 lít rượu nho cùng các mặt hàng hải sản cho doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/năm. Cơ sở đã xây dựng được thương hiệu ổn định nhưng hiện nay vấn đề mở rộng thị trường và tăng quy mô sản xuất lên một mức cao hơn nữa vẫn là bài toán không đơn giản. “Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nguồn vốn để tái đầu tư cùng với khâu xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, cơ sở đang tìm cách đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các kênh thông tin, mạng xã hội để tối ưu hóa chi phí đầu tư”, chị Châu cho hay.
Ứng dụng công nghệ sấy nông sản giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nho sấy ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Ứng dụng công nghệ sấy nông sản giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nho sấy ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Mở rộng sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn đang là trăn trở chung của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện nay. Qua khảo sát, Ninh Thuận hiện có 3.153 doanh nghiệp; trong đó, có trên 400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ lẻ (vốn bình quân của mỗi doanh nghiệp chỉ khoảng 16,3 tỷ đồng, hộ kinh doanh khoảng 70 triệu đồng, hợp tác xã 80 triệu đồng) nên khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới, tiếp cận thị trường của các đơn vị hiện gặp không ít khó khăn. Theo các chủ cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, do khu vực nông nghiệp, nông thôn thu hút ít nguồn vốn đầu tư, trong khi đó nhiều đơn vị tiềm lực tài chính còn hạn chế nên chưa đầu tư được những dây chuyền sản xuất hiện đại, sản phẩm phần lớn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, bán gia công, mẫu mã chưa thu hút nên khó đáp ứng các yêu cầu của đối tác hoặc đưa vào các siêu thị trên địa bàn. Ngoài ra, xây dựng thương hiệu cũng là trở ngại đối với sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Các đơn vị thường xuyên đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong khi năng lực, tiềm lực của cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn còn hạn chế thì chính tình trạng cạnh tranh không lành mạnh là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp khó khăn.Tăng cường các hoạt động hỗ trợ Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương Ninh Thuận cho biết, để hỗ trợ đầu ra, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm địa phương nói chung, sản phẩm công nghiệp nông thôn nói riêng, trong thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận tổ chức nhiều chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại. Trong năm 2019, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương, Ninh Thuận dành trên 2,5 tỷ đồng thực hiện 10 đề án khuyến công bao gồm các hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp; đồng thời dành trên 1,2 tỷ đồng cho xúc tiến thương mại tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, nhằm phát hiện và tôn vinh những sản phẩm chất lượng, giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển; hàng năm tỉnh tổ chức bình chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cơ sở tích cực hơn nữa trong việc duy trì, nâng cao chất lượng sản xuất, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Phạm Thanh Bình cho biết thêm, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay nguồn ngân sách triển khai các hoạt động khuyến công hạn hẹp nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Trong khi đó, nhu cầu kinh phí khuyến công đòi hỏi hỗ trợ trên nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các cơ sở, doanh nghiệp công thôn cần thay đổi tư duy, nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó có kế hoạch phát triển sản xuất hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Để góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, tỉnh Ninh Thuận hiện tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục cấp phép xây dựng, thuế để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp đăng ký thành lập. Tỉnh tư vấn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn thông tin về đầu tư, mở rộng sản xuất ngành nghề phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển của từng địa phương. Với mục tiêu phát triển bền vững, đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn ra thị trường, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, sản xuất các sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững; ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu tại chỗ, cơ sở sử dụng nhiều lao động. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm