Ninh Thuận duy trì đàn gia súc trong mùa khô hạn

Ninh Thuận duy trì đàn gia súc trong mùa khô hạn
Nuôi cừu phát triển ở Ninh Thuận . Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
Nuôi cừu phát triển ở Ninh Thuận . Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
Quá 12 giờ trưa, trời nắng như thiêu như đốt nhưng đàn cừu hơn 150 con của ông Nguyễn Văn Thanh vẫn cặm cụi tìm chút cỏ ít ỏi sót lại trên cánh đồng khô khốc ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Ông Thanh cho biết, ông phải lùa cả đàn cừu đi xa dưới trời nắng gắt để tìm bãi chăn thả mới. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm được chỗ thuận lợi vì những người chăn cừu khác cũng “rốt ráo” tìm bãi chăn thả. Đồng cỏ xơ xác, không thuận lợi cho việc chăn thả nên mỗi tháng gia đình bà Nguyễn Thị Dần ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải phải chi gần 10 triệu đồng mua cỏ tươi và rơm rạ, thức ăn tinh để bổ sung dinh dưỡng cho đàn dê, cừu hơn 70 con. Bà Dần cho hay, thời gian trước đàn dê, cừu lên tới gần 200 con nhưng tình hình khô hạn kéo dài, khó tìm nguồn thức ăn cho dê nên gia đình phải bán bớt để tránh thiệt hại. Chi phí chăn nuôi cao, trong khi thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào đàn dê, cừu nhưng tình hình khô hạn như hiện nay khiến bà rất lo lắng. Theo thống kê, tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 309.000 con dê, cừu; trên 120.000 con bò; gần 4.000 con trâu. Đa phần các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây thời tiết khô hạn kéo dài khiến những đồng cỏ ở địa phương dần trơ trụi và ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác khiến việc chăn nuôi các loại gia súc gặp nhiều khó khăn. Theo ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, trước tình hình hạn hán có nguy cơ diễn ra trên diện rộng và ngày càng khốc liệt, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương phối hợp cùng các địa phương dồn lực ứng phó với khô hạn. Tỉnh tập trung vào các biện pháp tăng cường dự trữ, điều tiết nguồn nước từ các sông, hồ thủy lợi để ưu tiên nước sinh hoạt phục vụ nhân dân, nước phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, nước tưới cho cây trồng lâu năm cho giá trị kinh tế cao, nước và nguồn thức ăn phục vụ hoạt động chăn nuôi. Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia súc áp dụng các biện pháp duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc trong tình hình nắng nóng kéo dài. Các địa phương khuyến cáo người dân dùng nước phải thật tiết kiệm, lưu ý người chăn nuôi không nên tăng quy mô đàn nếu không chủ động nguồn thức ăn và nước uống trong mùa khô hạn, bán bớt những con gia súc đến tuổi bán thịt, gia súc già loại thải. Trong tình hình nắng nóng như hiện nay, các hộ lưu ý không nên chăn thả gia súc vào giờ nắng gắt để gia súc tránh bị mất nước, thở dốc, kiệt sức dễ dẫn đến mắc bệnh say nắng, cảm nóng. Với những hộ chăn thả rong, cần có chuồng trại để gia súc tránh nắng. Các đàn có số lượng gia súc đông như dê, cừu cần tách ra thành những đàn nhỏ, theo từng lứa tuổi. Đặc biệt, gia súc đang nuôi con nhỏ và theo con mẹ cần có chế độ chăn sóc riêng để thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và di chuyển. Tùy vào điều kiện sản xuất, các hộ chăn nuôi cần tăng cường tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân lá cây ngô, lá nho, lá táo để dự trữ, chế biến làm thức ăn cho gia súc, kết hợp bổ sung nguồn thức ăn tinh cho gia súc như cám tổng hợp, bột bắp, rỉ mật đường, sữa cho gia súc non; tiêm thuốc bổ trợ sức các loại vitamin. Đồng thời, chủ động tiêm phòng cho gia súc cũng như thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm