Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm

Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm
Thôn văn hóa Hiếu Lễ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) là 1 trong 35 thôn vùng đồng bào Chăm được công nhận thôn, khu phố văn hóa của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Thôn văn hóa Hiếu Lễ (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước) là 1 trong 35 thôn vùng đồng bào Chăm được công nhận thôn, khu phố văn hóa của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận có 18.000 hộ với trên 84.800 khẩu, chiếm 12% dân số toàn tỉnh; cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT – TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, bằng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tập trung đầu tư, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Chăm. Tính riêng trong năm 2019, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 56 hạng mục công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nước sinh hoạt nông thôn tại vùng đồng bào Chăm với tổng kinh phí trên 238 tỷ đồng. Để giúp các hộ nghèo đồng bào Chăm phát triển sản xuất, tỉnh Ninh Thuận phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho 813 hộ nghèo vay với tổng kinh phí 32,2 tỷ đồng, dư nợ đến nay đạt 192,6 tỷ đồng với 7.312 hộ vay; kết hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động người Chăm... Đồng thời, các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, giúp đồng bào Chăm nâng cao hiệu quả sản xuất. Điển hình với các mô hình như: Mô hình cánh đồng lớn trồng lúa; măng tây xanh vùng đồng bào Chăm với tổng diện tích trên 2.900 ha; trồng ngô lai; sản xuất nho, táo sạch; nuôi dê, cừu vỗ béo; phát triển sản phẩm làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp gắn với phát triển du lịch...
Hệ thống đường giao thông tại huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Hệ thống đường giao thông tại huyện Ninh Phước (Ninh Thuận).
Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Cùng với đó, các phong trào do Trung ương và địa phương phát động như, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang ma, lễ hội đã tạo được sự đồng thuận, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các địa phương phát triển nhiều hình thức tổ chức tự quản như: Tộc họ người Chăm không có người vi phạm pháp luật, Làng Chăm bình yên, Ban phong tục gương mẫu, Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, Tổ hòa giải cơ sở..., qua đó vai trò người có uy tín được phát huy. Nhờ thực hiện đồng bộ, các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào Chăm đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% vùng đồng bào Chăm được sử dụng điện, có trạm y tế, có nhà văn hóa xã, 100% thôn, khu phố vùng đồng bào Chăm có trường mẫu giáo tiểu học, 11/13 xã vùng đồng bào Chăm đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (chiếm 84,61%). Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm được gìn giữ và phát huy. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình, các chương trình đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào Chăm cùng các dân tộc anh em phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm không ngừng được nâng lên, tình hình an ninh - trật tự vùng đồng bào được giữ vững, lòng tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố, nâng cao.
Dệt thổ cẩm truyền thống ở làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
 Dệt thổ cẩm truyền thống ở làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp (Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm cũng gặp không ít khó khăn do điều kiện tự nhiên khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuối năm 2019, số hộ nghèo còn 716 hộ/3.619 khẩu, chiếm 3,89% (giảm 1,27% so với năm 2018), hộ cận nghèo còn 1.550 hộ/8.266 khẩu chiếm 8,61% (giảm 3,01%) so với tổng số hộ đồng bào Chăm. Khắc phục những khó khăn, năm 2020, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc Chăm. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển hệ thống thủy lợi ở các vùng khô hạn để phục vụ tưới tiêu, chăn nuôi, đầu tư hệ thống giao thông, chợ, hạ tầng làng nghề truyền thống. Các sở, ngành phối hợp với các địa phương tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, cho giá trị kinh tế cao. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, từ đó làm thay đổi tập quán canh tác của đồng bào theo hướng hiện đại để tăng giá trị sản phẩm.
Đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước chăm sóc lúa. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước chăm sóc lúa.
Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục thực hiện Đề án phát triển cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tình hình mới; mở lớp đào tạo tiếng Chăm cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại các địa phương.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm