Ninh Thuận chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước tưới

Ninh Thuận chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước tưới
Nguồn nước từ đập Nha Trinh - Lâm Cấm xả xuống kênh Nam để người dân ở huyện Ninh Phước gieo cấy. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Nguồn nước từ đập Nha Trinh - Lâm Cấm xả xuống kênh Nam để người dân ở huyện Ninh Phước gieo cấy. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch cho sản xuất nông nghiệp năm 2019 với diện tích dự kiến 26.500 ha; trong đó, lúa gieo cấy 16.490 ha, ngô 2.950 ha và rau màu hơn 7.000 ha. Nguồn nước tưới từ hồ Đơn Dương được điều phối đáp ứng cho các địa phương như huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, đối với khu vực tưới thuộc các hồ, đập trên địa bàn, tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tiết kiệm nước tưới, đảm bảo hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm làm ra. Ông Phan Quang Thựu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới, tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Theo đó, hơn 1.180 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả ở một số địa phương của huyện Ninh Sơn, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước và Bác Ái sẽ được chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày và cây dài ngày. Để kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các địa phương hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân để áp dụng vào sản xuất; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện khô hạn như: mô hình tưới tiết kiệm; mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả; áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đối với một số cây trồng đặc thù như nho, táo, rau xanh… Ông Đỗ Ngọc Tuấn - Phòng Quản lý nước và Công trình (Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuân) cho biết, đến ngày 18/12, tổng lượng nước ở 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 191,47 triệu m3/194,49 triệu m3, đạt hơn 98%. Hiện nay có 4 hồ chứa đang mở từ 1 đến 2 cửa van xả lũ, với độ mở từ 5 - 11cm; đồng thời có 6 hồ chứa đang tràn tự do từ 2 - 25 cm. Ngoài ra lượng nước ở hồ Đơn Dương cũng đang ở mức 167,44 triệu m3/165 triệu m3, đang xả lũ với lưu lượng 32,29m3/s. Lượng nước khá dồi dào. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và khu vực Nam Trung bộ, khả năng từ tháng 12/2018 đến tháng 4/2019, tổng lượng mưa tại khu vực Trung bộ phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 50%; lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 15 - 16%; các sông ở các tỉnh thành trong khu vực, trong đó có Ninh Thuận khả năng thiếu hụt trên 75% so với cùng kỳ nhiều năm. Nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước ngay trong tháng đầu của năm 2019 là khó tránh khỏi. Vì vậy, ngoài việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tiết kiệm nước tưới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh tăng cường quản lý nguồn nước; vận hành hiệu quả hệ thống cấp nước; duy trì tổ dùng nước (PIM) để chủ động điều tiết nước tiết kiệm, đảm bảo nước sản xuất cho cả năm 2019 và phục vụ các mục đích khác.

 Công Thử     

Có thể bạn quan tâm