Những thầy cô giáo "cắm bản" ở huyện biên giới Kỳ Sơn

Những thầy cô giáo "cắm bản" ở huyện biên giới Kỳ Sơn
Giờ học tại trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Mỹ Lý, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Giờ học tại trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Mỹ Lý, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Kỳ Sơn là huyện miền núi xa nhất của tỉnh Nghệ An, từ thành phố Vinh đến thị trấn Mường Xén (trung tâm huyện Kỳ Sơn) khoảng cách là hơn 300 km. Các trường học ở Kỳ Sơn nằm rải rác ở các bản, các xã sâu trong núi rừng, đi lại hết sức khó khăn. Có những điểm trường không có điện, không có nước, phải đi bộ nhiều tiếng đồng hồ mới đến nơi như ở xã Mường Ải, Mường Típ… Các thầy cô giáo ở những điểm trường này cùng ăn, cùng ở với đồng bào, dạy chữ cho các em nhỏ. 24 năm dạy học ở nhiều điểm trường vùng biên giới huyện Kỳ Sơn như: Xã Na Ngoi, Keng Đu, Huồi Tụ, Hữu Kiệm…, thầy Lê Quỳnh Lưu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Ải là một trong những thầy cô giáo có thời gian "cắm bản" lâu nhất ở đây.  Quê ở huyện Hưng Nguyên, thầy Lê Quỳnh Lưu lên miền núi lập nghiệp từ năm 1994 đến nay. Thầy Lưu chia sẻ: Khó khăn về vật chất, tinh thần thầy cô giáo ở đây đều động viên nhau vượt qua, chỉ mong vận động các bậc phụ huynh cho con em đến trường đi học. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống, đời sống dân trí thấp, còn nhiều tập tục lạc hậu nên việc "trồng" chữ càng khó khăn và phải kiên trì.
Giáo viên vượt qua những đoạn đường khó khăn để đến trường THCS Mường Típ, xã Mường Típ. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Giáo viên vượt qua những đoạn đường khó khăn để đến trường THCS Mường Típ, xã Mường Típ. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Trường Tiểu học Mường Ải có 278 học sinh và 36 giáo viên, được phân về 6 điểm trường ở các bản. Để đến được điểm trường chính của Trường Tiểu học Mường Ải, từ thị trấn Mường Xén phải đi xe máy hết khoảng 6 tiếng đồng hồ trong điều kiện đường thông suốt, khô ráo. Những ngày mưa gió hay có sạt lở, trường bị cô lập hoàn toàn. Nhiều bản không có điện, không nước, nằm xa điểm trường chính nên việc đi lại rất khó khăn, chẳng hạn điểm trường bản Ái Khe cách trung tâm 18 km, điểm trường bản Pùng cách trung tâm 11 km… Vận động được học sinh đi học đã khó, duy trì học sinh không bỏ học lại càng khó hơn. Việc các thầy cô giáo ứng tiền lương của mình ra trước để mua sách vở, đồ dùng học tâp, quần áo, mua thực phẩm nấu ăn cho học sinh là chuyện thường xuyên diễn ra ở các điểm trường. Những ngày mưa lũ, bản bị cô lập đến cả một tuần, thực phẩm, đồ ăn cạn dần. Mỗi khi có dịp ra thị trấn Mường Xén công tác, nhiều thầy cô giáo tranh thủ mua gạo, cá khô, vật dụng sinh hoạt… chất lên xe máy đưa vô các điểm trường để dự phòng lâu dài. Kể về những lần vận động các em bỏ học đến trường học trở lại, thầy Nguyễn Trọng Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Típ 1, xã Mường Típ cho biết: Đến mùa lên rẫy, lên nương, nhiều bậc cha mẹ còn bắt con em mình bỏ học và ở trên rẫy cả tháng trời. Thầy cùng nhiều thầy cô phải lên tận rẫy để vận động, xin phụ huynh cho các em về lớp học lại. Có lần, thầy Hòa phải ở lại rẫy mấy ngày, cùng làm, cùng ăn với đồng bào và thuyết phục đồng bào họ cho con em mình đi học trở lại. Trèo đèo, lội suối để đến trường là việc thường ngày của học sinh vùng cao. Về mùa mưa, đường đi rất dễ bị sạt lở, nước suối dâng cao gây nguy hiểm cho cả thầy và trò.
Giáo viên vượt qua những đoạn đường khó khăn để đến trường THCS Mường Típ, xã Mường Típ. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Giáo viên vượt qua những đoạn đường khó khăn để đến trường THCS Mường Típ, xã Mường Típ. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Chỉ cần một lần ghé thăm Trường Tiểu học Mường Típ 1 sẽ thấy ngay những gì mà thầy cô giáo ở đây đã và đang làm với suy nghĩ "Tất cả vì học sinh thân yêu”. Đối lập với ngôi trường có những phòng học khang trang, sạch đẹp được xây kiên cố, nơi ở, sinh hoạt của các thầy cô giáo nằm ngay sát bên chỉ là căn nhà 4 gian được lợp bằng tranh, vách đất, nền đất… Mọi vật dụng, sinh hoạt đều thiếu thốn nhưng thầy cô giáo nơi đây kiên trì việc trồng chữ. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Típ 1 Nguyễn Trọng Hòa cho biết thêm, đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc, nhiều em tiếp thu còn chậm nên các thầy cô phải chỉ dạy rất kiên trì. Có những hôm dù bị mệt, các thầy cô vẫn cố gắng đứng lớp vì không muốn học sinh phải nghỉ buổi học. Muốn "trồng" được chữ được ở những vùng cao, đặc biệt khó khăn như thế này, các thầy cô  phải kiên trì, vượt lên mọi khó khăn bám trụ, ở lại nơi này ở với đồng bào. Vì thế, những thầy cô giáo như thầy Hòa, thầy Lưu, cô Minh… được bà con dân bản xem như người con của bản và bản làng cũng chính là quê hương thứ hai của các thầy cô giáo. Cô Nguyễn Thị Minh, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Mường Típ cho biết, như sau cơn bão số 3 và số 4 trong tháng 8 năm nay, nhiều đoạn đường đến trường ở xã Mường Típ bị ngập sâu, nước chảy siết, các thầy cô giáo phải phân  công nhau đứng ở các điểm ngập, hướng dẫn và đưa học sinh đến trường an toàn và trở về nhà. Khó khăn trăm bề, nhưng các thầy cô giáo ở đây đều nỗ lực vượt qua. Hình ảnh những em bé người Thái, Mông… ở Mường Míp, Mường Ải trong những bộ trang phục truyền thống chăm chú ngồi nghe cô thầy đánh vần rồi đọc theo khiến chúng tôi rất xúc động. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Minh và vợ là cô giáo Nguyễn Thị Minh đã cắm bản ở Kỳ Sơn đã nhiều năm nay.  Thầy Minh dạy ở Trường Tiểu học còn cô Minh dạy tại Trường Trung học Cơ sở Mường Típ. Do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng thầy Nguyễn Ngọc Minh và cô Nguyễn Thị Minh phải gửi con về huyện Thanh Chương, Nghệ An cho ông bà nội chăm sóc. Nhiều lúc nhớ con, cô Minh lại trào nước mắt. Những lúc ấy, thầy cô lại động viên nhau, con mình dù có thiếu thốn thì không bằng một phần những khó khăn của những em nhỏ nơi đây. Chỉ cần nghĩ vậy, thầy cô lại vững tâm công tác. Nói về những khó khăn của những thầy cô giáo "cắm bản", thầy Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện huyện có gần 2.200 giáo viên giảng dạy cho hơn 22.000 học sinh từ bậc Mầm non đến Trung học Phổ thông. Do Kỳ Sơn là địa bàn khó khăn, cách trở,  đa phần giáo viên đều ở lại "cắm bản". Điều kiện vật chất, dạy học cho giáo viên còn khó khăn nhưng các thầy cô giáo vượt lên hoàn cảnh, bám bản, bám trường thực hiện tốt công việc của mình.
Nguyễn Oanh

Có thể bạn quan tâm