Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Nhọc nhằn gieo chữ dưới chân núi Ngọc Linh

Nhọc nhằn gieo chữ dưới chân núi Ngọc Linh
Chúng tôi đến với điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) những ngày giữa tháng 11, khi những bông hoa dã quỳ tô điểm vàng rực trên các triền núi. Đây là điểm trường còn rất nhiều khó khăn bởi đường đi, nhiều điểm trường nằm cách xa trục đường chính, hệ thống cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học thiếu thốn đủ bề. Bên cạnh đó, do nằm ở vùng đặc thù, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gắn liền với nương rẫy nên chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Với điểm trường nơi đây, khó khăn nhất chính là việc duy trì sĩ số đến lớp đều đặn mỗi ngày.

Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xa Tu Mơ Rông cho biết: Ở đây, phụ huynh học sinh hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn nghèo nên chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Vào mùa rẫy đến, hầu hết phụ huynh đưa con em mình theo ngủ trên rẫy. Cho nên để nâng cao được chất lượng dạy và học rất khó, nhất là việc duy trì sĩ số đến lớp của các em.

Xác định được sự khó khăn, vất vả nơi mình đang công tác, các thầy cô giáo nơi đây luôn nỗ lực, tự động viên nhau vì tương lai của các em học sinh người dân tộc thiểu số. Sau những giờ lên lớp vất vả, khi những tia nắng cuối cùng khuất sau đỉnh Ngọc Linh, các thầy cô lại tất bật tìm đến nhà của từng học sinh trong lớp để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em mình đến lớp. Dù con đường đến với gia đình phụ huynh học sinh vô cùng vất vả, nhất là những hôm trời mưa, đường trơn trượt nhưng với sự nhiệt huyết, lòng yêu thương trẻ, thầy cô vẫn ngày ngày miệt mài vừa mang chữ, vừa vận động phụ huynh đưa con em đến trường.

Con đường đến với các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số của các thầy, cô chênh vênh trên những vực thẳm tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Ảnh: Quang Thái-TTXVN
Con đường đến với các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số của các thầy, cô chênh vênh trên những vực thẳm tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Ảnh: Quang Thái-TTXVN

Thầy Cao Văn Khánh, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tu Mơ Rông cho biết: Để ngày ngày thấy các em đến lớp 100%, trong các giờ dạy học, tôi tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ, trò chơi, tạo hứng thú và ham học cho các em. Để các em thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, sau giờ lên lớp, vào các buổi tối mình cùng các thầy cô giáo thường xuyên đến từng thôn, làng để cùng sinh hoạt và tuyên truyền cho bà con thấy được ý nghĩa của việc cho các em đến trường, đến lớp. Thời gian đầu, người dân còn e ngại, lo lắng khi giao con cho các thầy, cô nhưng lâu dần sự gần gũi, hòa cùng đã kéo gần khoảng cách của bà con với thầy, cô. Bây giờ, người dân thấy được việc học của con cái quan trọng nên đã để con mình đi học, dù nhà ở cách xa các điểm trường.

Sau những giờ lên lớp vất vả, các thầy đến nhà của các học vận động phụ huynh cho con em mình đến lớp. Ảnh: Quang Thái -TTXVN
Sau những giờ lên lớp vất vả, các thầy đến nhà của các học vận động phụ huynh cho con em mình đến lớp. Ảnh: Quang Thái -TTXVN

Nhận thức được sự quan trọng của việc học tập, gia đình chị Y Ri, làng Đăk Chum 2, xã Tu Mơ Rông dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng cho con gái Y Vân theo học. Năm nay học lớp 5, Y Vân đã đọc thông, viết thạo tiếng Kinh, giúp các bạn nhỏ trong làng giải những bài toán đơn giản, nắn nót từng con chữ. “Được các thầy cô giáo tới nhà vận động, giải thích nên gia đình mình đã biết được cái quan trọng của việc cho con đến trường. Từ khi được đi học, bé Y Vân nhanh nhẹn hơn, đọc được chữ giúp người trong làng, dạy em học nữa. Gia đình mình sẽ cố gắng cho con theo học đến những bậc học cao hơn, mong muốn cho bé Vân biết được thêm nhiều chữ, nhiều phép toán để về giúp cho gia đình, bà con trong làng".

Có được những thành tích như hôm nay, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp cho giáo dục, sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô nơi đây chính là nền tảng vững chắc cho sự đổi thay của ngành giáo dục. Toàn huyện Tu Mơ Rông có tổng số 34 điểm trường với hơn 7.400 học sinh. Dù 100% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhìn vào kết quả huy động trẻ đến lớp, thành tích học tập thật sự tự hào với những nỗ lực, đóng góp của các thầy, cô giáo nơi đây. Năm học 2016-2017, số trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 98,8 %; số trẻ được tổ chức ăn bán trú đạt 85,6%; trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt tỉ lệ 100%... số học sinh nghỉ học, bỏ học ngày càng giảm.

Những học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện nghèo 30A Tu Mơ Rông được hưởng thụ nhiều chính sách giáo dục ưu việt, giúp các em ngày càng tự tin và phát triển hơn về thể chất và trí tuệ. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Những học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện nghèo 30A Tu Mơ Rông được hưởng thụ nhiều chính sách giáo dục ưu việt, giúp các em ngày càng tự tin và phát triển hơn về thể chất và trí tuệ. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Thầy Lê Văn Hoàn - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong nhiều năm qua công tác dạy và học trên địa bàn huyện luôn được duy trì tốt, số học sinh đến lớp đạt tỉ lệ 98%, chất lượng học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành mức trung bình khá, giỏi đạt tỉ lệ cao, có nhiều giáo viên, học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Để có được những kết quả này, bên cạnh sự đầu tư kịp thời của Nhà nước, những cống hiến không biết mệt mỏi, sự yêu nghề, tâm huyết của các thầy cô giáo chính là nhân tố quyết định thành quả của ngành giáo dục.
        Quang Thái

Có thể bạn quan tâm