Nhiều khó khăn trong công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Hà Giang ​

Nhiều khó khăn trong công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Hà Giang ​
Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Yên Minh (Hà Giang) tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN
Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Yên Minh (Hà Giang) tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: Nguyễn Chiến - TTXVN

Theo ông Nguyễn Trí Diện, Trưởng phòng khai thác và thu nợ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Giang, năm 2019, cơ quan này được giao chỉ tiêu tăng mới hơn 1.000 đối tượng là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, theo ông Diện, con số này khó có thể đạt được. “Từ năm 2008 đến hết năm 2018, tức trong vòng 10 năm, toàn tỉnh chỉ tăng mới hơn 1.000 lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trên địa bàn tỉnh có 195 xã, phường, thị trấn thì có tới 134 xã, phường, thị trấn thuộc xã vùng III - vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào còn rất khó khăn, công việc và thu nhập bấp bênh, do đó người dân chưa có điều kiện tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện” - ông Diện cho biết thêm.

Chị Ma Thị Yên, ở thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã từng có hơn 5 năm công tác tại Công ty. Do hoàn cảnh gia đình, chị Yên về quê mở quán bán hàng tạp hóa. Tuy thu nhập khá ổn định, nhưng chị không tham gia đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện. “Tôi đã có 5 năm Công ty đóng bảo hiểm cho, nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tôi còn phải đóng thêm 15 năm nữa mới đủ 20 năm - mức quy định để được hưởng chế độ. Tôi không dám chắc có đủ khả năng đóng cho tới lúc đó hay không nên tôi không tham gia” - chị Yên chia sẻ.

Chị Mua Thị Cáy, cùng ở thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang), là một trong những lao động hiếm hoi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chị Cáy cũng đã từng 5 năm làm việc tại Công ty, sau khi quyết định về quê làm ăn, phát triển kinh tế, chị Cáy đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với tâm thế lo lắng. “Tôi biết lợi ích từ việc tham gia bảo hiểm xã hội, sau này hết tuổi lao động còn có nguồn thu nhập cho mình. Do công việc chăn nuôi mới bắt đầu, thu nhập chưa có nên tôi đang lo mình khó có thể tiếp tục tham gia” - chị Cáy cho biết.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Yên Minh cho biết, khó khăn trong phát triển đối tượng lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện xuất phát từ điều kiện kinh tế. Yên Minh là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, công việc và thu nhập không ổn định. Hơn nữa, thời gian đóng bảo hiểm kéo dài 20 năm… là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp. “Năm 2016, 2017 và 2018, toàn huyện chúng tôi được giao chỉ tiêu 56 người/năm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng chưa năm nào chúng tôi thực hiện được, mặc dù đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền” - ông Kiên cho biết.

Người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng quyền lợi trước những rủi ro trong quá trình làm việc như tai nạn, ốm đau, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn người già ở các vùng nông thôn không có lương hưu phải sống phụ thuộc vào con cái. Chính vì vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia để nâng cao độ bao phủ của bảo hiểm xã hội đến với người dân là hết sức cần thiết.

Nhằm mang lại lợi ích đến với người dân, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy việc người dân tham gia bảo hiểm xã hội, như mức hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội thuộc diện hộ nghèo là 30%, hộ cận nghèo là 25% và 10% là mức hỗ trợ cho các đối tượng khác. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn như Hà Giang, công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện còn là một bài toán khó.
Nguyễn Chiến

Có thể bạn quan tâm