Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (2016-2018):

Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện hỗ trợ cho phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện hỗ trợ cho phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với 13,4 triệu người, chiếm 14,6%  dân số cả nước, chủ yếu sinh sống ở những vùng núi cao, biên giới, nơi khó khăn, đồng thời cũng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái.

Trong báo cáo của Chính phủ trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt thông qua việc ban hành và tổ chức hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ hệ thống chính sách dân tộc với 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người, y tế, giáo dục… Như vậy, hiện nay có 118 chính sách dân tộc đang còn hiệu lực, được thể chế ở 178 văn bản ( gồm các Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó có 54 chính sách trực tiếp và 64 chính sách gián tiếp. Các chính sách được phân thành 3 nhóm chủ yếu là: Nhóm chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo vùng; Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực.

Sau khi được Chính phủ  đầu tư hỗ trợ về nguồn lực cùng với sự ban hành các chính sách dân tộc thiết thực, các tỉnh vùng DTTS, miền núi đã có được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng 8,1%, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ tăng 7,3%

Cơ cấu kinh tế vùng DTTS, miền núi chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ nhưng chủ yếu vẫn là làm nông – lâm nghiệp. Bước đầu hình thành vùng sản xuất nông – lâm nghiệp hàng hóa: cà phê, chè, cao su, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ…

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trong những năm qua được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm từ  3- 4%, có nơi giảm 5%.

Hiện nay, hệ thống chính sách DTTS, miền núi ngày càng đồng bộ, nguồn ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng, bước đầu đảm bảo cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Việc tổ chức thực hiện chính sách từng bước được cải tiến nhằm tăng cường hiệu quả chính sách.

Công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi cùng Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành nỗ lực quan tâm cao độ. Từ năm 2016  đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Ngân hàng chính sách đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45.194 tỷ đồng. Có 8 huyện đã thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ, 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135. 

Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 8/2018, đã có 1.052 xã vùng DTTS, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%. Công tác bảo vệ và phát triển rừng vùng DTTS, miền núi có bước chuyển biến tích cực.

Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS, miền núi, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Hiện nay 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Từ năm 2016 – 2018, đã tuyên dương trên 400 học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, tạo sức lan tỏa, động viên học sinh, sinh viên nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS đã chuyển biến tích cực, từ năm 2016 đến 2018, đã cấp miễn phí thẻ BHYT cho 20,705 triệu lượt đồng bào DTTS, nỗ lực triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở 22 tỉnh vùng DTTS và miền núi. Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS được chú trọng; Thông tin tuyên truyền vùng DTTS và miền núi phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân.

Đối với đồng bào DTTS rất ít người, Chính phủ đã quan tâm xây dựng, ban hành các chính sách nhân văn, thiết thực: Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển KTXH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người”.

Nhà nước cũng chú trọng xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín trong cộng đồng; quan tâm, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người DTTS; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đột xuất, đảm bảo an sinh xã hội, không để người nào bị thiếu đói không được trợ giúp. Việc bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và thực hiện hiện chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi được quan tâm hơn. Cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phá triển kinh tế - xã. Sau nhiều năm đầu tư, đến nay, đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 99,3% xã có trạm y tế, trên 90% xã được phủ sóng phát thanh – truyền hình…
 
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sốp Cộp (Sơn La) được hỗ trợ bò giống để chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sốp Cộp (Sơn La) được hỗ trợ bò giống để chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: Quyết Chiến - TTXVN

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, gặp nhiều hạn chế, bất cập. Ủy ban Dân tộc đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện một số đề án, chính sách đã được ban hành. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát để các cấp, các ngành thực hiện chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả hơn, phân bổ nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS, vùng KTXH đặc biệt khó khăn, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các miền, vùng trong cùng một địa phương.

Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi (nhất là những chủ trương, chính sách lớn), để có cơ sở xây dựng, ban hành chính sách mới cho giai đoạn tiếp theo, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của việc thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa  qua. Hằng năm, Chính phủ cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
                                                                                                                                                                                             Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm