Nhiều hộ ở Quảng Ngãi thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Nhiều hộ ở Quảng Ngãi thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động
Bà Đinh Thị Niêu, ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ có con đi XKLĐ ở Malaysia năm 2010 gửi tiền về giúp bà có điều kiện làm nhà mới. Nguồn ảnh: baoquangngai.vn
Bà Đinh Thị Niêu, ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Kỳ có con đi XKLĐ ở Malaysia năm 2010 gửi tiền về giúp bà có điều kiện làm nhà mới. Nguồn ảnh: baoquangngai.vn

Anh Đào Trọng Mười (38 tuổi), quê ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc 3 năm. Sau khi trở về nước (năm 2013), nhờ có số vốn nhất định, anh Mười quyết định chọn nghề sản xuất nước mắm truyền thống để khởi nghiệp. Hiện anh Mười là ông chủ của cơ sở chuyên sản xuất nước mắm truyền thống “Mười Quý”.

Sản phẩm do cơ sở sản xuất được kết tinh từ bí quyết 3 đời làm nước mắm của cha ông để lại. Mỗi năm, cơ sở của anh Mười cung cấp cho thị trường Quảng Ngãi và nhiều tỉnh, thành hơn 40.000 lít nước mắm. Doanh thu năm 2018 đạt 1,3 tỷ đồng. Cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao lao động, 10 lao động mùa vụ, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.

Chị Huỳnh Thị Chánh, xã Bình Thạnh cho biết: Chị đã làm ở đây hơn 4 năm. Đây là nghề truyền thống nên chị dễ dàng tiếp cận công việc, không mất nhiều thời gian học hỏi.

Để có được thành công bước đầu này, anh Mười luôn cảm ơn về khoảng thời gian sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Dẫu chỉ có 3 năm, những kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn tích lũy được sau khi xuất khẩu lao động đã giúp ích cho anh rất nhiều trong công việc hiện tại.
“Khi đi lao động tại Hàn Quốc, tôi học được cách làm việc có trách nhiệm, sự năng nổ, giờ giấc, kỷ luật. Tôi chọn khởi nghiệp từ nước mắm truyền thống cũng nhờ có những kiến thức cơ bản do ông cha truyền lại, cộng với nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm sạch ngày càng cao. Tôi cùng với các cộng sự đang đặt ra mục tiêu đưa nước mắm của mình vươn xa hơn nữa nhằm mang lại thu nhập ngày càng cao hơn cho bản thân và người lao động”, anh Mười chia sẻ.

Anh Đinh Văn Tiếp, ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà lại chọn kinh doanh sắt thép để khởi nghiệp sau khi đi lao động ở Hàn Quốc về. Hiện nay, ngoài cửa hàng chuyên bán sắt thép, anh Tiếp còn nhận làm cửa cổng, mái che. Nhờ đó, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động.
Sau 3 năm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Tiếp tích cóp được 400 triệu đồng. Sau khi trở về nước, anh thấy nhu cầu xây dựng của người dân địa phương rất cao nên quyết định thuê mặt bằng để kinh doanh sắt thép. Do nguồn vốn có hạn, ban đầu anh chỉ kinh doanh nhỏ, hai vợ chồng cùng quản lý. Sau một thời gian vừa kinh doanh vừa học hỏi, đến đầu năm 2017, anh nhận làm cửa cổng bằng sắt thép, inox, làm mái che. Nhờ đó, riêng năm 2018, sau khi trừ chi phí, anh thu về hơn 300 triệu đồng, anh Tiếp cho biết thêm.

Xuất khẩu lao động là một kênh thoát nghèo cho nhiều gia đình ở Quảng Ngãi. Năm 2018, toàn tỉnh có gần 4.800 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Trung bình mỗi năm số lao động này tích lũy, gửi về nước trên 300 tỷ đồng. Nhiều gia đình có người tham gia xuất khẩu lao động đã sử dụng nguồn vốn tích lũy để đầu tư sản xuất, tạo thêm việc làm mới và cuộc sống ngày càng khá lên.

Năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đưa 1.900 lao động đi xuất khẩu sang các nước làm việc. Ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Các lao động sẽ được hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, với mức 3 triệu đồng/người. Tùy theo đối tượng, người lao động cũng sẽ được ngân hàng cho vay từ 50-100%. Ngoài các chính sách hỗ trợ cho lao động xuất khẩu, tỉnh Quảng Ngãi tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động chọn được công việc phù hợp. Quảng Ngãi xác định thị trường thu nhập cao cho người lao động là Hàn Quốc, Nhật Bản và ngành điều dưỡng tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Thị trường lao động ở các nước đang rộng mở với nhiều thay đổi có lợi cho người lao động. Cùng với những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ tạo động lực cho lao động, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi có thêm cơ hội việc làm thông qua con đường xuất khẩu lao động. Con đường này sẽ giúp thay đổi kinh tế gia đình và góp phần vào công tác giảm nghèo nhanh, bền vững tại địa phương.
  Đinh Thị Hương

Có thể bạn quan tâm