Nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng tại Vườn quốc gia Phú Quốc

Nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng tại Vườn quốc gia Phú Quốc
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Gành Dầu tuần tra bảo vệ rừng Vườn quốc gia Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Gành Dầu tuần tra bảo vệ rừng Vườn quốc gia Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Tại Vườn quốc gia Phú Quốc, mùa khô bắt đầu từ cuối tháng 11/2018 kéo dài đến nay. Hơn 60 giếng đào trữ nguồn nước phòng cháy, chữa cháy ở những khu vực trọng yếu, nguy cơ cháy cao đang khô kiệt dần, có giếng còn khoảng 0,5 - 1 m nước và một số giếng gần như cạn hết nước. Trước tình hình này, Vườn quốc gia Phú Quốc cho đào hố để âm bồn nhựa 2 m3 xuống đất và lắp đặt một số bồn inox trên mặt đất ở khu vực nguy cơ cháy cao, sử dụng xe bồn vận chuyển nước bơm vào dự trữ phục vụ phòng chống cháy rừng, cơ bản khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nước.

Cùng với đó, Ban Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc củng cố lại các tổ, đội phối hợp với các xã, bộ đội đóng trên địa bàn xây dựng lực lượng phòng chống cháy rừng hàng nghìn người sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cháy rừng xảy ra. Các lực lượng tập trung cày ủi các đường băng cản lửa để phòng khi có cháy; những tuyến đường huyết mạch, cơ động trên lâm phần được san ủi bằng phẳng, thông thoáng phục vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thuận lợi, đồng thời để xe vận chuyển lực lượng, thiết bị, nước nhanh chóng đến nơi cháy xảy ra.

Vườn quốc gia Phú Quốc cũng trang bị phương tiện, thiết bị đảm bảo phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng như: xe chuyên dùng chở nước, máy cày, máy ủi, xe tải lớn, tải nhỏ; máy bơm phao, dây dẫn nước, máy honda bơm áp lực, phi nhựa chứa nước, bình xịt, máy thổi gió, máy chữa cháy đeo vai, thùng tưới nước, máy bộ đàm, ống nhòm, máy định vị GPS và những dụng cụ thô sơ khác.

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc nhấn mạnh, phương châm phòng là chính, quyết tâm không để xảy ra cháy vì khi cháy rất khó chữa, nhất là trong lúc nguồn nước khan hiếm, cháy lớn hậu quả rất nghiêm trọng. Vườn đã xây dựng nhiều tháp canh lửa, bố trí 11 lán trại trên lâm phần theo phương châm “4 tại chỗ”, phân công lực lượng trực chiến 24/24 và tổ chức tuần tra xuyên suốt, kiểm soát chặt chẽ lâm phần, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Những ngày bám rừng cùng với các cán bộ Vườn quốc gia Phú Quốc bảo vệ, phòng chống cháy rừng, chúng tôi mới cảm nhận những khó khăn, vất vả trong công việc này. Các cán bộ ở đây gồng mình chống chịu với nắng nóng nhiệt độ cao, oi bức, gay gắt kéo dài; không có điện, ban đêm sử dụng đèn dầu và mắc võng ngủ ngoài rừng; muỗi đốt... Mặc dù khổ cực vậy, nhưng anh em ở vườn vẫn bám trụ rừng, không rời nửa bước, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng.

Anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ Vườn Quốc gia Phú Quốc chia sẻ: hằng ngày, anh em tuần tra, kiểm soát địa bàn được phân công quản lý, khảo sát và xác định những khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao để tập trung chủ động phòng chống cháy. Trên toàn lâm phần đang dự báo cháy cấp 5 nên anh em hết sức cảnh giác với lửa rừng. Nhờ vậy, từ đầu mùa khô đến nay không xảy ra cháy rừng ở Vườn quốc gia Phú Quốc.

Thời điểm đang cao điểm mùa khô đúng vào kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, lượng khách du lịch đến Phú Quốc rất đông nên lực lượng đóng ở các lán trại cảnh giác tối đa khi có người vào rừng tham quan. Anh Nguyễn Văn Sơn cho biết, các lực lượng đã vận động bà con, khách du lịch không sử dụng lửa, không hút thuốc khi đi ngang qua những cánh rừng. Các lực lượng lúc nào cũng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh những tình huống có nguy cơ gây ra cháy rừng.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Phú Quốc, vào mùa khô các suối, hồ, giếng hầu hết đều cạn kiệt nước, địa hình đồi núi, độ dốc lớn, nhiều nơi chưa có đường xe phải đi bộ theo đường mòn nên khi có cháy xảy ra rất khó khăn trong triển khai lực lượng để dập tắt lửa kịp thời. Mặt khác, ở một số xã, nhiều nơi dân cư (kể cả dân cư tự do) sống không thành cụm mà rải rác, đan xen trong địa bàn Vườn quốc gia, một số lượng lớn hộ dân sinh sống sản xuất ở vùng đệm tiếp giáp với vùng lõi Vườn quốc gia Phú Quốc trong lúc giữa vùng đệm và vùng lõi Vườn quốc gia Phú Quốc có ranh giới liền kề.

Ông Nguyễn Văn Tiệp chỉ ra những nguyên nhân có thể gây cháy rừng như: lớp thực bì dày do tích lũy qua nhiều năm dưới thời tiết nắng nóng, khô hạn trở thành vật liệu dễ cháy và khi có nguồn lửa sẽ nhanh chóng bắt lửa gây cháy lan vào rừng. Phần lớn người dân ở các xã tiếp cận Vườn quốc gia Phú Quốc sống bằng nghề nông, mức thu nhập thấp, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của người dân đều tác động trực tiếp đến rừng. Người dân vào rừng đốt nương rẫy lấy đất trồng trọt, dùng lửa bắt ong do bất cẩn có thể làm lửa cháy lan gây cháy rừng.

Ngoài ra, trên địa bàn Vườn quốc gia còn có nhiều tuyến đường giao thông chính nối liền các xã xuyên qua lâm phần vườn và một số tuyến đường mòn, đường dân sinh liên xóm, ấp, nhất là trong giai đoạn hiện nay, một lượng lớn công nhân đang lao động và sinh hoạt trong các khu vực này, đây cũng là nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng trong các tháng mùa khô, rất khó kiểm soát.

Vườn quốc gia Phú Quốc ở phía Bắc đảo Phú Quốc, nằm trên địa bàn các xã Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Hàm Ninh, Cửa Cạn và một phần xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vườn có tổng diện tích rừng 29.420,6 ha quy hoạch thành 3 phân khu chức năng gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 8.129,8 ha, phân khu phục hồi sinh thái 20.722,4 ha, phân khu hành chính - dịch vụ 568,4 ha. Ngoài ra, vùng đệm tiếp giáp Vườn quốc gia hơn 9.000 ha.
Lê Huy Hải

Có thể bạn quan tâm