Nhiều giải pháp hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp

Nhiều giải pháp hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp
Các cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn ở Trà Vinh giải quyết việc làm cho hơn 36.000 lao động. Ảnh : Trần Thị Thanh Hòa
Các cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn ở Trà Vinh giải quyết việc làm cho hơn 36.000 lao động. Ảnh : Trần Thị Thanh Hòa
Theo đó, các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, đề ra các giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hoàn thành kế hoạch đề ra về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo chủ trương đào tạo 50% lao động ở các doanh nghiệp nông nghiệp; 20% cho thành viên hợp tác xã, trang trại và 30% cho an sinh xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện cơ cấu đào tạo hợp lý (đào tạo các lao động làm trong các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản của các doanh nghiệp, đào tạo thành viên hợp tác xã, trang trại, đào tạo lao động nhằm an sinh xã hội nông thôn). Đồng thời, rà soát, bổ sung chương trình đào tạo nghề nông nghiệp phù hợp với chương trình tái cơ cấu, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở địa phương. Cùng đó, đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng có đối ứng của Nhà nước để thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng tham gia vào đào tạo nghề nông nghiệp. Bên cạnh đó, gắn tư vấn việc làm để lao động sau khi học nghề được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất từ quỹ hỗ trợ việc làm Quốc gia, Ngân hàng Chính sách Xã hội. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu các địa phương đổi mới việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu và tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nhu cầu, tổ chức đào tạo nghề ở các vùng sản xuất nguyên liệu, các dự án chuyển đổi sản xuất, lao động làm việc trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phân cấp cho cấp huyện đào tạo nghề phục vụ an sinh xã hội nông thôn. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về đào tạo nghề nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo nghề nông nghiệp có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền cấp huyện, xã. Cục Kinh tế hợp tác Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới xây dựng kế hoạch phối hợp với các Trường thuộc Bộ để triển khai đào tạo nghề nông nghiệp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, cán bộ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo của Bộ, các địa phương đẩy mạnh đào tạo nghề thực hiện đề án 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hiệu quả; trong đó có chương trình phát triển hợp tác xã công nghệ cao... Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả đào tạo nghề nông nghiệp 7 tháng qua đã đào tạo được 120.000 lao động trong số 287.175 lao động, đạt 40% kế hoạch đề ra, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; chất lượng đào tạo nghề có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn những bất cập như: chậm chuyển đổi về đào tạo cho lao động làm trong vùng sản xuất hàng hoá của các doanh nghiệp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn. Việc xác định nhu cầu đào tạo ở nhiều địa phương còn lúng túng, bố trí kinh phí đào tạo chưa đáp ứng theo kế hoạch được phê duyệt. Việc kiểm tra, giám sát, thúc đẩy tiến độ thực hiện đào tạo nghề ở một số địa phương chưa kịp thời...
Thành Trung

Có thể bạn quan tâm