Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho đàn lợn

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho đàn lợn
Gia đình ông Đào Văn Sứ, đội 3, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu chủ động phun thuốc tiêu độc phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn của gia đình. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Gia đình ông Đào Văn Sứ, đội 3, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu chủ động phun thuốc tiêu độc phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn của gia đình. Ảnh: Quý Trung - TTXVN  

Sau Tuần Giáo, Mường Ảng là huyện thứ hai trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Để ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan, huyện Tuần Giáo thành lập 10 chốt kiểm dịch cấp xã, huyện và đội kiểm soát lưu động chốt chặn tại các xã có dịch và tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 6.

Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, chính quyền các xã, thị trấn theo dõi đàn lợn, hướng dẫn các hộ dân sử dụng các biện pháp an toàn chăn nuôi; lấy mẫu để xét nghiệm khi có lợn ốm, chết và tổ chức tiêu hủy lợn nhiễm bệnh theo quy trình.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực có dịch, đường ra vào khu vực, vùng có nguy cơ xảy ra dịch; các chốt kiểm dịch, chốt kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt ra vào vùng có dịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, vào ngày 13/3, cơ quan chức năng của huyện đã lấy 2 mẫu lợn chết tại bản Huổi Cắm (xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) tiến hành xét nghiệm và 1 mẫu cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Ghi nhận đến sáng ngày 15/3, tại bản Huổi Cắm đã có 8 con lợn bị chết và nhiều con khác đang bị ốm. Chính quyền huyện đã tiến hành tiêu hủy số lợn chết theo quy định.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên tuyên truyền tới người dân về cách phòng chống và phát hiện dịch bệnh ở lợn. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên tuyên truyền tới người dân về cách phòng chống và phát hiện dịch bệnh ở lợn. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, tỉnh Kiên Giang đã giao các ngành chức năng hữu quan phối hợp thực hiện đồng bộ giải pháp ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp lợn, sản phẩm lợn vào địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới Hà Tiên và Giang Thành tiếp giáp với Campuchia, ngăn chặn nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới, kể cả quà tặng của cư dân vùng biên và thức ăn đã được chế biến từ lợn.

Tại thành phố Hải Phòng, bệnh dịch tả lợn châu Phi lan ra 6 quận, huyện gồm: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy và quận Dương Kinh. Tổng số lợn bắt buộc phải tiêu hủy hơn 5.260 con.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh này.

Các ngành liên quan và các địa phương tại Hải Phòng cũng thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động 24/24 giờ của các chốt kiểm dịch tạm thời; bố trí đầy đủ quân số, hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cho các phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch.

Gia đình ông Đào Văn Sứ, đội 3, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu chủ động phun thuốc tiêu độc phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn của gia đình. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Gia đình ông Đào Văn Sứ, đội 3, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu chủ động phun thuốc tiêu độc phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn của gia đình. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Đồng thời, các cơ quan chức năng thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/ tuần trong 3 tuần tiếp theo trong phạm vi 3km; 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch; chủ động khoanh vùng dập dịch không để dịch lây lan sang các địa bàn khác.

Ông Lê Văn Dương, Chi cục phó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các địa phương cử người giám sát, theo dõi tại chỗ, nhất là cán bộ thú y cơ sở để chủ động lấy mẫu phẩm xét nghiệm khi có lợn nghi mắc bệnh, sớm xác định bệnh dịch.

Tỉnh Bắc Giang cũng dành kinh phí mua hơn 10 nghìn tấn vôi bột, hơn 7 nghìn lít hóa chất thực hiện tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch; yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, tỉnh đã yêu cầu người đứng đầu địa phương, ngành phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch. Trước hết để khống chế nguồn lây bệnh từ bên ngoài, các huyện thành lập tổ kiểm tra lưu động, thành lập các điểm chốt chặn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển sản phẩm có bệnh từ bên ngoài vào tỉnh.
TTXVN

Có thể bạn quan tâm