Nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ hạn hán sớm

Nhiều địa phương đối mặt với nguy cơ hạn hán sớm
Hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đã trơ cạn đáy từ nhiều tháng qua do hạn hán kéo dài. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đã trơ cạn đáy từ nhiều tháng qua do hạn hán kéo dài. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tuy chưa vào cao điểm mùa hạn nhưng hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) có dung tích thiết kế 800.000 mét khối nước cung cấp nước sản xuất cho hơn 200 ha trồng nho, hành, tỏi đã trơ đáy từ nhiều tháng nay.

Người dân cho biết, thời gian qua lượng mưa rất ít khiến hồ luôn trong tình trạng thiếu nước. Để cứu cây trồng, nhiều hộ đã phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để đào ao, khoan giếng lấy nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn khoan trúng được mạch nước ngầm.

Ông Lâm Văn Thường, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cho hay, hạn hán đến sớm làm cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi nguồn nước tưới ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào hồ Ông Kinh. Thiếu nước tưới gia đình phải khoan hai cái giếng với chi phí gần 70 triệu đồng, song cũng chỉ có một cái giếng có nước. Hiện nay, năm sào hành tím của gia đình đang vào thời kỳ phát triển nếu không tưới sẽ mất trắng nhưng trả tiền điện bơm nước mỗi tháng gần 2 triệu đồng thì cũng chẳng còn lợi nhuận.

Ông Nguyễn Hùng cùng xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ, trời nắng nóng nhiều tháng qua khiến nguồn nước tưới ở địa phương thiếu hụt trầm trọng. Hiện nay, để có nước tưới cứu cây hành, tỏi, ớt, một số bà con đành phải phải mua nước từ ngoài làng chở vô tưới với chi phí rất cao. Hơn hai sào hành tím của gia đình vừa qua cho năng suất rất thấp vì thiếu nước tưới. Sắp tới, ông Hùng sẽ phải bỏ hoang đất, đi tìm công việc khác để sinh nhai vì thiếu nước sản xuất.

Những đường ống bơm dẫn nước nằm trơ trọi ở hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Những đường ống bơm dẫn nước nằm trơ trọi ở hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Võ Thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho hay, chưa năm nào người dân đón Tết Nguyên đán xong phải lo đối mặt với tình hình thiếu nước sản xuất như hiện nay. Để ứng phó với hạn hán, tỉnh xây dựng đường ống dẫn nước hơn 11 km từ Xóm Bằng dẫn nước về cung cấp cho ba khu vực tưới của địa phương nhưng hơn một tháng nay do thiếu nước đầu nguồn nên không thể bơm về khu vực hồ Ông Kinh. Trong thời gian tới, nếu không có mưa thì sẽ rất khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân tại khu vực hồ chứa có dung tích nhỏ và ít nước.

Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, UBND huyện khẩn trương chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các xã tập trung ứng cứu các loại cây trồng đang sản xuất, các loại cây nông nghiệp chủ lực, tuyên truyền bà con khai thác nước ngầm hợp lý. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung gieo trồng những cây trồng cạn ngắn ngày, cây chịu hạn, ít sử dụng nước kết hợp sử dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm ở những khu vực các hồ chứa ít nước sản xuất.

Không chỉ có huyện Ninh Hải, hiện nay tại một số khu vực của huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Bác Ái, Thuận Bắc tình trạng thiếu nước sản xuất cũng đang diễn ra ngày càng gay gắt.

Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết, năm nay, dù chỉ mới bước vào thời điểm đầu mùa khô nhưng lượng nước tích trữ các hồ thủy lợi đang dần cạn kiệt. Do đó, tỉnh đã phải khuyến cáo người dân dùng nước phải thật tiết kiệm. Lượng nước khan hiếm đã khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp phải dừng sản xuất. Ước tính trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh có khoảng 7.500 ha đất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản phải dừng sản xuất do thiếu nước.

Ao chống hạn tạm thời tại khu vực hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đã trơ đáy. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Ao chống hạn tạm thời tại khu vực hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đã trơ đáy. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục theo dõi sát sao các dự báo về thời tiết nắng hạn để kịp thời xây dựng các kế hoạch ứng phó, chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu. Cùng đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường dự trữ, điều tiết nguồn nước để đảm bảo cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng đang phát triển ổn định, cho giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân tận dụng các nguồn nước uống, thức ăn cho đàn cừu, dê, bò kết hợp vệ sinh chuồng trại để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại đàn gia súc do hạn hán gây ra.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm