Nguyễn Thị Lộc - Người chắp cánh cho thương hiệu gạo lứt Điện Biên

Nguyễn Thị Lộc - Người chắp cánh cho thương hiệu gạo lứt Điện Biên

Chị Nguyễn Thị Lộc giới thiệu sản phẩm gạo lứt. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Chị Nguyễn Thị Lộc giới thiệu sản phẩm gạo lứt. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Chị Nguyễn Thị Lộc kể, năm 2010, khi đang là nhân viên văn phòng tại xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, nhận thấy tiềm năng còn bỏ ngỏ của gạo lứt Điện Biên được gieo trồng ở cánh đồng Mường Thanh quanh năm được tắm mát bởi con sông Nậm Rốm, chị đã quyết định bỏ công việc văn phòng, mạnh dạn đầu tư và kinh doanh thu mua gạo. Tuy nhiên, sau nhiều năm kinh doanh, dù sản phẩm bán ra thị trường có chất lượng tốt, thơm ngon nhưng giá thành lại không cao, không mở rộng được thị trường khiến cho chị ngày đêm trăn trở. Sau khi tìm hiểu kỹ thị trường, nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người dân, chị đã thay đổi phương thức kinh doanh, tìm ra hướng đi mới cho sản phẩm gạo Điện Biên. Năm 2014, được sự giúp đỡ của các chuyên gia về lĩnh vực lúa, gạo, chị quyết định thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn nông sản thực phẩm sinh thái Điện Biên. Công ty ngoài việc kinh doanh sản phẩm thô còn chuyên sản xuất các loại sản phẩm từ gạo lứt như sữa gạo lứt, trà gạo lứt, ca cao gạo lứt…

Chị Lộc cho biết: Những ngày đầu mới thành lập công ty, chị gặp nhiều khó khăn trong từng công đoạn. Để tạo vùng nguyên liệu đầu vào, chị tìm đến với bà con nông dân, vận động hướng dẫn người dân cách sản xuất gạo lứt sạch theo phương thức canh tác mà chị nghiên cứu. Một khó khăn gặp phải là do phong tục tập quán lâu đời của người dân đã quen dùng phân hóa học, chưa từng dùng phân vi sinh, vì thế nên việc vận động người dân từ bỏ thói quen cũ cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, sau những nỗ lực và quyết tâm của bản thân, chị đã tạo được niềm tin đối với người dân, thuyết phục được bà con áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào làm đất, gieo cấy, chăm sóc cây lúa trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển để tạo ra những mùa bội thu.

Khi có được vùng nguyên liệu, chị lại vay vốn ngân hàng, huy động tất cả nguồn lực của gia đình để mở rộng sản xuất, xây dựng lại dây chuyền khép kín vô trùng các loại sản phẩm sữa gạo lứt, trà gạo lứt, ca cao gạo lứt... Các quy trình, công đoạn tạo ra các dòng sản phẩm này đều được các chuyên gia thẩm định, công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo giữ nguyên dinh dưỡng, giá trị tự nhiên.

Cùng lúc đó, chị Lộc cũng tích cực liên hệ các bạn hàng ở khắp mọi vùng miền trong và ngoài nước, tìm đầu ra cho sản phẩm, khẳng định tên tuổi của công ty. Hiện, dòng sản phẩm chủ lực của chị chuyên sản phẩm sữa, bột dinh dưỡng, cốm, cháo, trà, ca cao… Nhà máy chế biến rộng 500 m2, công suất đạt 360 tấn gạo lứt/năm, luôn đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, có phòng diệt khuẩn, đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO2200.

Nhiều năm qua, sản phẩm của công ty qua quá trình sản xuất đã đạt nhiều giải thưởng như: “Giải thưởng về chất lượng sản phẩm đạt top 10"; "Sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất Việt Nam" và "Top 10 ẩm thực của Đông Nam Á”. Đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ gạo lứt Điện Biên của công ty chị Lộc đã mở rộng tại các tỉnh thành như: Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh... và vươn xa trên thị trường quốc tế như Lào, Trung Quốc...

Theo chị Lộc, thời gian tới chị sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy với công suất 600 đến 800 tấn sản phẩm/năm; xây dựng chu trình kép kín từ cung cấp giống, phân bón kỹ thuật canh tác đến thu hoạch lúa sinh học; liên kết với 80 hộ gia đình tại xã Thanh Minh (thành phố Điện Biên Phủ) với tổng diện tích khoảng 50 ha để sản xuất các giống lúa sạch, chất lượng cao và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương.

Bà Hà Thị Tươi, Phó Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên, cho biết: Chị Lộc là người phụ nữ rất nhanh nhẹn, đảm đang, đầy nghị lực, có trình độ và sáng tạo. Mô hình phát triển kinh tế của chị Lộc là một điển hình trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Sản phẩm chế biến từ gạo lứt của công ty chị đã mang lại giá trị cao cho ngành nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Điện Biên, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội cho tỉnh và nâng cao đời sống cho người dân ở miền núi.
Võ Văn Dũng

Có thể bạn quan tâm