Nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định trong thực hiện chính sách dân tộc

Nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định trong thực hiện chính sách dân tộc
Trao bò giống sinh sản cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
 Trao bò giống sinh sản cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Ảnh: Hoài Thu - TTXVN
Theo ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ địa phương 1, Ủy ban Dân tộc, hội nghị diễn ra trong bối cảnh công tác dân tộc có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Mặc dù kinh tế tăng trưởng khá nhưng ngân sách nhà nước, ngân sách các tỉnh vẫn còn khó khăn nên nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc còn hạn chế; có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số song vẫn có chính sách còn dàn trải, chưa trọng tâm, toàn diện nên chưa thể hỗ trợ tối đa đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, theo thống kê cho đến nay đã có 118 chính sách dân tộc (trong đó có 64 chính sách gián tiếp và 54 chính sách trực tiếp) được thực hiện tại khu vực Tây Bắc. Nhìn chung các chính sách được thực hiện hiệu quả đã thực sự tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, tạo thêm niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, theo đánh giá của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ngoài chính sách trực tiếp tập trung ở các lĩnh vực xã hội như giáo dục, văn hóa thông tin, chưa có nhiều chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phát triển hạ tầng, giải quyết đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong khi đây là những chính sách căn bản để giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề khiến các thế lực thù địch cơ hội chính trị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, kích động nhằm chia rẽ nội bộ, xói mòn lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng, chính quyền. Tại hội nghị, hơn 100 đại biểu đến từ 7 tỉnh Tây Bắc là Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La và các tỉnh bạn đã trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Ban Dân tộc các tỉnh nhằm chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động, khó khăn, thuận lợi trong việc tham mưu triển khai thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn, đồng thời đề xuất giải pháp chung cho khu vực cũng như từng địa phương. Đánh giá về quá trình thực hiện các chính sách dân tộc tại địa phương, ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết, thực tế chứng minh các chính sách dân tộc là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã, bản, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần, đời sống vật chất cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh...Tuy vậy, Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo, 90% kinh phí Trung ương cấp nên địa phương kiến nghị Ủy ban Dân tộc, Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Quyết định 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025. Chia sẻ bài học kinh nghiệm ở Hòa Bình, bà Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định vì vậy cần được ưu tiên và bố trí kịp thời để thực hiện, ưu tiên cho địa bàn đặc biệt khó khăn như huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức và chính từ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện chính sách dân tộc. Các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả. Tại hội nghị, đại diện 7 tỉnh khu vực Tây Bắc đã ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Ban Dân tộc các địa phương năm 2019 và những năm tiếp theo, thống nhất thường xuyên trao đổi thông tin học tập kinh nghiệm về 10 lĩnh vực như: Quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc, kinh nghiệm tham mưu xây dựng các quyết định, chỉ thị, quy hoạch, kế hoạch dài hạn 5 năm và hằng năm…

Hương Thu

Có thể bạn quan tâm