Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ:

Người cựu chiến binh mười năm đi tìm đồng đội

Người cựu chiến binh mười năm đi tìm đồng đội
Sau 27 năm trong quân ngũ, năm 1991, Trung tá Lê Trường Giang về hưu và tham gia Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 16.

Chứng kiến chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đồng đội thất lạc tung tích, nhiều thân nhân liệt sĩ khắc khoải trong nỗi dằn vặt vì không tìm được hài cốt hay mộ người thân, ông Giang tâm nguyện, một ngày nào đó, khi có điều kiện sẽ đi tìm lại những người đồng đội cũ của mình đã nằm lại nơi chiến trường xưa. 

Thời gian mới về hưu, cuộc sống của ông Giang bộn bề với những lo toan đời thường. Hằng ngày, ông Giang và vợ (bà Nguyễn Thị Lan) dậy từ 4 giờ đi lên chợ Bà Chiểu cách nhà cả chục km, để mua rau, hoa quả về bán lại tại nhà, tần tảo vun vén cuộc sống gia đình, lo cho 5 người con ăn học thành người.

Sau hơn chục năm vất vả, khi các con đã khôn lớn, kinh tế gia đình đã ổn định, ông Giang tạm gác lại nỗi lo công việc của gia đình để tập trung thực hiện ước muốn lâu nay ông chưa kịp làm, đó là đi tìm lại những đồng đội đã hi sinh trong những năm chiến tranh.
Cựu chiến binh Lê Trường Giang bên cuốn sổ ghi chép danh sách các liệt sĩ. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
 Cựu chiến binh Lê Trường Giang bên cuốn sổ ghi chép danh sách các liệt sĩ. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Trung đoàn 16, tiền thân là Trung đoàn 161 A Trần Cao Vân, Sư đoàn 325, là đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào Nam chiến đấu, đã 2 lần được phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Hơn 5.000 chiến sĩ Trung đoàn 16 đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh chống Mỹ và các trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. 

Trong giai đoạn từ 1967-1975, Trung đoàn 16 (lúc đó trực thuộc Bộ tư lệnh Miền) chiến đấu tại vùng ven đô Sài Gòn trên địa bàn các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Bình Long, Củ Chi, Trảng Bàng, Hóc Môn và trực tiếp tham gia vào các chiến dịch Sedaphon, Jansoncity, Mậu Thân 1968, Nguyễn Huệ 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hàng nghìn chiến sĩ Trung đoàn 16 đã ngã xuống trên vùng đất ven đô ác liệt, nhưng do công tác tử sĩ sau chiến đấu gặp nhiều khó khăn; thông tin hài cốt, mộ liệt sĩ không đầy đủ, nên đa số gia đình liệt sĩ chống Mỹ của Trung đoàn 16 đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. 

Từ năm 2007, với hành trang là 2 cuốn sổ ghi 14 dữ kiện cá nhân của các chiến sĩ Trung đoàn 16 đã hi sinh kể từ thời kỳ chống Mỹ được photocopy từ Phòng Chính sách Quân khu 7 và tờ giấy giới thiệu do Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh cấp cùng trái tim nhiệt huyết, người cựu chiến binh Lê Trường Giang bắt đầu hành trình đi tìm lại những người đồng đội đã hi sinh trên những chiến trường mà đơn vị mình từng chiến đấu.

Sau khi làm việc với Sở Lao động Thương binh và xã hội các địa phương, ông Giang tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương dò tìm các đồng đội cùng Trung đoàn đang nằm tại các nghĩa trang.

Cứ mỗi sáng, với chai nước, ổ bánh mì, cuốn sổ, cái bút bi trong túi, ông Giang từ nhà đi xe buýt, xe khách rồi xe ôm tới các nghĩa trang liệt sĩ Trảng Bàng, Trà Võ, Gò Dầu, Đồi 82... của Tây Ninh; nghĩa trang Lộc Ninh, Đồng Xoài... Bình Phước hay Dầu Tiếng, Bình Dương. Cẩn thận đi từng hàng mộ, ông Giang ghi chép, đối chiếu với tài liệu mình có để lần tìm từng đồng đội của ông khi xưa.

Do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều phần mộ liệt sĩ bị ghi sai họ, sai tên, ngày tháng năm sinh, sai quê quán, như liệt sĩ Trần Minh Chí C23, Hạ sỹ A trưởng quê Ninh Bình tại nghĩa trang Lộc Thuận Trảng Bàng lại ghi trên mộ là Trần Minh Trí; liệt sĩ Bùi Văn Tư trên mộ ghi là Bùi Văn Tơ...Thậm chí nhiều phần mộ chỉ ghi tên liệt sĩ. 

Ban ngày đến nghĩa trang ghi chép, gặp gỡ nhân chứng. Tối đến, ông Giang lại cặm cụi dựa vào 14 dữ kiện gốc của Phòng Chính sách Quân khu 7 và thông tin của các đồng đội, nhân chứng để xác định, chỉnh sửa từng phần mộ liệt sĩ.

Sau đó ông Giang viết thư về cho thân nhân liệt sĩ, hướng dẫn thân nhân, gia đình liệt sĩ kiểm tra đối chiếu với tư liệu lưu trữ tại cơ quan chức năng nơi quê quán các liệt sĩ, để chỉnh sửa lại các dữ liệu trên phần của người thân. 
Sổ sách ghi chép danh sách các liệt sĩ của cựu chiến binh Lê Trường Giang. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Sổ sách ghi chép danh sách các liệt sĩ của cựu chiến binh Lê Trường Giang. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Bên cạnh đó, ông Giang cũng tích cực tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ chưa quy tập vào các nghĩa trang, các liệt sĩ chưa xác định được phần mộ. Lặn lội đi đến từng xóm nhỏ, bản làng ven rừng nơi xưa kia đã từng là trận địa, nhờ bà con địa phương và nhân chứng thời chiến tranh còn sống sót, ông Giang đã tìm ra 10 phần mộ, hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 16 chưa được quy tập.  

10 năm qua, không kể nắng mưa, ông Giang cần mẫn đến các nghĩa trang, ghi chép rồi gặp gỡ nhân chứng, so sánh với tài liệu lưu trữ, chỉnh sửa, xác minh được 1.181 phần mộ liệt sĩ thuộc Trung đoàn 16 và thông báo về với thân nhân các liệt sĩ làm thủ tục nhận phần mộ, mang lại niềm vui, xoa dịu phần nào nỗi đau mất mát cho hàng ngàn gia đình liệt sĩ. 

Nụ cười đôn hậu trên môi, ông Giang khoe 5 cuốn sổ chi chít những dòng viết tay bằng nhiều loại mực - kết quả của bao ngày đội nắng dầm mưa. Đó là 3 cuốn sổ ghi lại các trường hợp liệt sĩ Trung đoàn 16 ông đã tìm thấy, các trường hợp phải hiệu chỉnh dữ liệu của liệt sĩ và 2 cuốn sổ ghi lại những trả lời về thông tin liệt sĩ cho hàng nghìn tin nhắn, cuộc gọi từ các thân nhân, gia đình liệt sĩ trên khắp mọi miền của đất nước và những lời cảm ơn của thân nhân các liệt sĩ tìm lại được người thân sau nhận được thư báo của ông Giang. 

Là một trong rất nhiều gia có may mắn tìm được hài cốt liệt sĩ do ông Giang giúp đỡ, ông Trần Sỹ Sơn, em liệt sĩ Trần Sỹ Uyên quê ở Hải Phòng cho biết: “Cha tôi đã hơn 90 tuổi vẫn luôn ngóng chờ tin anh trai tôi với hi vọng một ngày đưa được anh trở về. Thật may nhờ có bác Giang, cuối cùng thì tâm nguyện cuối đời của cha tôi đã thành hiện thực. Điều đó đã mang lại niềm vui và trút đi gánh nặng đau đáu trong lòng, giúp cha tôi thanh thản trong những năm tháng tuổi già cuối cuộc đời”. 

Với ông Giang, mang lại những niềm vui cho các gia đình liệt sĩ là động lực giúp ông tiếp tục con đường đi tìm lại những đồng đội đã hi sinh còn chưa tìm được người thân.

Ông Giang tâm sự: “Có thời gian, còn sức khỏe là tôi còn đi tìm đồng đội”./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm