Người chăn nuôi ở Thái Bình chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Người chăn nuôi ở Thái Bình chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Ông Nguyễn Văn Luân, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Luân, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư) là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất của tỉnh Thái Bình với quy mô gần 13.900 con, 497 hộ chăn nuôi (chiếm gần 1/3 số hộ dân trong xã); trong đó có 17 hộ chăn nuôi quy mô đàn từ 100 con trở lên. Những ngày qua, thông tin về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số xã trên địa bàn tỉnh khiến người chăn nuôi xã Bách Thuận cẩn trọng hơn trong việc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại bởi đây là loại dịch nguy hiểm hiện nay chưa có vắc xin đặc trị cũng như tỷ lệ 100% lợn mắc bệnh sẽ bị chết. Gia đình ông Nguyễn Văn Luân là hộ chăn nuôi lớn nhất của xã Bách Thuận với quy mô đàn lợn trên 600 con (gồm 80 lợn nái, trên 520 lợn thịt, lợn con), diện tích chuồng trại trên 3.000m2. Trước đây ông tham gia mô hình chăn nuôi lợn theo hướng VietGap, do đó những kinh nghiệm, kiến thức phòng chống dịch bệnh luôn được trang bị và thực hiện đầy đủ, thường xuyên.
Cán bộ chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống dịch tả lơn Châu Phi. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVNCán bộ chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống dịch tả lơn Châu Phi. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Ông Luân cho biết, nuôi lợn theo quy trình VietGap tốn nhiều công hơn so với phương pháp truyền thống; đòi hỏi rất khắt khe từ địa điểm bố trí khu chăn nuôi; chuồng nuôi và thiết bị chăn nuôi; giống và quản lý chăn nuôi; vệ sinh, thức ăn của vật nuôi. Hàng ngày đều phải ghi nhật ký chi tiết, theo dõi mọi diễn biến cũng như những tác động của con người tới vật nuôi. Tuy nhiên bù lại đã giúp người nuôi kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng. Ông Luân cho biết thêm, do quy mô đàn vật nuôi lớn nên gia đình ông luôn chuẩn bị sẵn sàng các loại hóa chất cùng hàng tấn vôi bột dự trữ để thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Khi không có dịch ông thực hiện phun hóa chất khử trùng 2 lần/tuần; đặc biệt từ giữa tháng 2 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại địa bàn tỉnh Thái Bình nên việc vệ sinh chuồng trại, phòng dịch của gia đình ông được thực hiện chặt chẽ hơn với lịch phun hóa chất dày hơn (1 lần/ngày), đồng thời rắc vôi bột thường xuyên quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi. Hộ chăn nuôi Phạm Bá Thiết (thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận) cho hay, từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương, gia đình ông đã chủ động phun hóa chất, rắc vôi bột để tiêu độc khử trùng, giảm tối đa các nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh. Đây là hai trong nhiều hộ chăn nuôi tại xã Bách Thuận đã từng tham gia mô hình chăn nuôi VietGap và từ đó có nhiều kinh nghiệm trong xử lý, phòng chống dịch bệnh.
Ông Phạm Bá Thiết, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thực hiện các biện pháp khử trùng, vệ sinh chuồng trại để bảo vệ đàn lợn của gia đình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Ông Phạm Bá Thiết, thôn Chiến Thắng, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thực hiện các biện pháp khử trùng, vệ sinh chuồng trại để bảo vệ đàn lợn của gia đình. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Ông Nguyễn Kim Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư) cho biết, nhằm chủ động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, đến nay xã Bách Thuận đã chuẩn bị 225 lít hóa chất, cấp phát cho các hộ chăn nuôi tại địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng trại. Đồng thời, xã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp chuyên môn phòng dịch đến các hộ chăn nuôi, vận động ký cam kết không vận chuyển, không vứt xác lợn ra môi trường, khai báo khi thấy đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường… Tuy nhiên với quy mô chăn nuôi lớn như hiện nay, lượng hóa chất được cấp vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, chủ yếu các hộ chăn nuôi địa phương chủ động mua hóa chất, vôi bột để phòng chống dịch. Trong khi nhiều người dân chăn nuôi chủ động phòng chống dịch tại trang trại, gia trại, thực hiện cam kết với cơ quan thú y, trên thực tế vẫn còn không ít các thương lái, người chăn nuôi chủ quan với việc phòng, chống dịch. Điều này đặc biệt nguy hiểm trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay. Nếu không quyết liệt ngăn chặn, khống chế, dịch bệnh này có thể gây tổn thất lớn đối với ngành chăn nuôi, nhất là đối với địa phương có quy mô đàn lợn trên 970.000 con như tỉnh Thái Bình. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Thái Bình đã thành lập 305 chốt kiểm soát dịch bệnh tại 3 cấp tỉnh, huyện và xã đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp chuyên môn tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Từ ngày 2 đến 8/3, thực hiện “Tuần vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch tả lợn châu Phi” trên địa bàn toàn tỉnh. Ngành chuyên môn Thái Bình khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn vào thời điểm này, hoặc có thể chuyển đổi tạm thời sang nuôi các loại gia cầm song phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ chuồng trại trước khi chăn nuôi.
Thu Hoài

Có thể bạn quan tâm