Ngôi nhà thứ hai của các thương bệnh binh nặng

Ngôi nhà thứ hai của các thương bệnh binh nặng
Hàng ngày cán bộ, nhân viên y tế luôn ân cần, tận tụy trong chăm sóc, điều trị cho các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN
Hàng ngày cán bộ, nhân viên y tế luôn ân cần, tận tụy trong chăm sóc, điều trị cho các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Đã 41 năm sống và điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An, ông Nguyễn Khắc Đông (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và nhiều thương bệnh binh nặng khác xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Bên cạnh cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ, điều ông Đông cảm thấy hài lòng nhất là sự ân cần, tận tụy chăm sóc, phục vụ của đội ngũ cán bộ Trung tâm. Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi những cơn đau tái phát do mảnh đạn chiến tranh còn sót lại, các y, bác sỹ luôn có mặt kịp thời cứu chữa, động viên tinh thần cho ông cũng như các bệnh nhân khác.

Ông Nguyễn Khắc Đông xúc động chia sẻ: "Tôi là một trong những người sống và điều trị lâu năm nhất tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Nghệ An. Với tỷ lệ thương tật 81%, thường xuyên đau khi trái gió, trở trời, tôi còn phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt cá nhân rất khó khăn. Ở đây, ai cũng sống yêu thương, hòa đồng, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế  luôn chăm sóc và phục vụ rất nhiệt tình, xem chúng tôi như người cha, người thân ruột thịt của mình vậy."
 
Các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN
Các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Trung tâm hiện chăm sóc và điều trị cho hàng chục thương bệnh binh nặng của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nơi đây, dễ dàng bắt gặp những nụ cười vui vẻ của các thương bệnh binh khi cùng trò chuyện, đọc báo, chơi cờ với nhau. Các thương binh nơi đây mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Một số người vẫn có người thân vào thăm, chăm sóc nhưng cũng không ít người chẳng còn người thân bên cạnh. Chính vì vậy, cùng với sự chăm sóc, phục vụ tận tình của cán bộ, nhân viên y tế tại Trung tâm, các thương bệnh binh luôn thương yêu, đùm bọc nhau, cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.

Hàng ngày, các cán bộ y tế luôn được phân công các kíp trực 24/24 giờ để đảm bảo giải quyết sơ, cấp cứu cho các thương bệnh binh kịp thời khi các vết thương tái phát. Với những thương binh, bệnh binh nặng, cán bộ nhân viên Trung tâm trực tiếp bón từng thìa cơm, miếng nước, từng viên thuốc và đảm nhiệm việc vệ sinh cho các thương bệnh binh một cách ân cần, cẩn thận với mong muốn mang lại niềm vui, làm vơi đi những cơn đau dằn vặt về thể xác; đồng thời, đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, đời sống tinh thần cho các thương bệnh binh.

Trong tháng 7, tháng tri ân những đóng góp của các Anh hùng Liệt sỹ, thương bệnh binh, hơn 20 sinh viên của Đội sinh viên tình nguyện của trường Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An) đã có mặt dọn vệ sinh tại trung tâm và tại nơi ở của các thương bệnh binh. Những cái nắm tay thật chặt của các bạn sinh viên với thương bệnh binh khi cùng trò chuyện, thăm hỏi, động viên các thương bệnh binh đã phần nào làm vơi đi những mất mát của các ông, các chú.
 
Trong tháng 7, nhằm tri ân những đóng góp của thế hệ cha ông đi trước, Đội sinh viên tình nguyện trường Đại học Y khoa Vinh đã tổ chức các hoạt động tình nguyện, thăm hỏi, động viên các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN
Trong tháng 7, nhằm tri ân những đóng góp của thế hệ cha ông đi trước, Đội sinh viên tình nguyện trường Đại học Y khoa Vinh đã tổ chức các hoạt động tình nguyện, thăm hỏi, động viên các thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Em Phạm Quốc Đạt, Đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y khoa Vinh xúc động chia sẻ: Khi được trò chuyện, tiếp xúc với các bác, các chú thương bệnh binh, cảm xúc ban đầu của chúng em là rất thương các bác vì ai cũng mang trong mình những thương tật do chiến tranh để lại. Nhiều bác bị mất hai tay, mất hai chân phải ngồi xe lăn, sinh hoạt cá nhân hàng ngày rất khó khăn. Chúng em đến đây với tinh thần tình nguyện, mong muốn được chia sẻ một phần nào đó mất mát với các bác, các chú thương bệnh binh.

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An được thành lập từ năm 1974. Hiện Trung tâm có 38 cán bộ nhân viên, đang điều trị, điều dưỡng cho 67 thương binh nặng, tỷ lệ thương tật trên 81 thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các thương binh tại đây gồm 3 thế hệ: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới và nghĩa vụ Quốc tế. Sau 45 năm hoạt động, các cơ sở vật chất cũng như công tác chăm sóc điều trị cho các thương binh đã không ngừng được nâng cao, đã có hàng trăm cán bộ thương bệnh binh được chăm sóc điều trị tại đây.
 
Cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thương bệnh binh. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN
Cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thương bệnh binh. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Ông Nguyễn Thiếu Lâm, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An cho biết: “Tất cả cán bộ, nhân viên công tác tại đây đều thấy được trách nhiệm của mình, tự hào khi nhận nhiệm vụ chăm lo cho các bác, các chú thương bệnh binh nhằm đền đáp lại một phần mất mát của thế hệ đi trước. Thấu hiểu được sự hy sinh của các thương bệnh binh, đơn vị quán triệt công tác phục vụ chu đáo cho các bác, coi các thương bệnh binh như người thân ruột thịt của mình và chúng tôi cũng được các bác coi như con, cháu. Trung tâm còn được xem là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho các thương bệnh binh, Trung tâm tiếp tục xây dựng mới thêm phòng ở, tu sửa, thay mới các trang thiết bị phục vụ đời sống sinh hoạt cho các thương bệnh binh; tiếp tục đổi mới, cập nhật kế hoạch thăm, khám bệnh cho bệnh nhân;  nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, dự báo tình hình sức khỏe từng đối tượng để bệnh xá chủ động chuẩn bị các hướng xử lý. Bên cạnh đó,  Trung tâm tiếp tục tập trung tuyên truyền công tác phòng bệnh để thương bệnh binh tự rèn luyện và bảo vệ sức khỏe; phấn đấu hàng năm thực hiện từ 500 – 1000 lượt điều dưỡng luân phiên cho người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, với những thành tích và những cố gắng phấn đấu không ngừng, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nghệ An đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý như:  Huân chương Chiến công hạng Nhì năm 1983; Huân chương Lao động hạng Ba năm 1995; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1997; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2004. Năm 2014, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tá Chuyên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm