Nghệ An vài nét tổng quan

Nghệ An vài nét tổng quan
1. Điều kiện tự nhiên

Nghệ An có diện tích tự nhiên 1.648.997,1 ha, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước.

Vị trí địa lý:
Nghệ An nằm ở vĩ độ 180 33' đến 200 01' vĩ độ Bắc, kinh độ 1030 52' đến 1050 48' kinh độ Đông, ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Phía Đông giáp biển, phía Tây giáp nước CHDCND Lào, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa.

Nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo Quốc lộ 7 đến cảng Cửa Lò. Nghệ An có 1 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện. Trong đó, Thành phố Vinh là đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh và của cả khu vực Bắc Trung bộ.


Địa hình: 

Tỉnh Nghệ An nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn, địa hình đa dạng, phức tạp và bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông suối hướng nghiêng từ Tây - Bắc xuống Đông - Nam với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Pulaileng (2.711m) ở huyện Kỳ Sơn, thấp nhất là vùng đồng bằng huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành có nơi chỉ cao đến 0,2 m so với mặt nước biển (đó là xã Quỳnh Thanh huyện Quỳnh Lưu). Đồi núi chiếm 83% diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh.

Khí hậu:

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu sự tác động trực tiếp của gió mùa Tây - Nam khô và nóng (từ tháng 4 đến tháng 8) và gió mùa Đông Bắc lạnh, ẩm ướt (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau). Nhiệt độ trung bình hàng năm 23 - 24,20C. Tổng lượng mưa trong năm là 1.200 – 2.000 mm. Độ ẩm trung bình hàng năm 80-90%. Tổng số giờ nắng trong năm khoảng 1.460 giờ.


Thủy văn: 

Tỉnh Nghệ An có 7 lưu vực sông (có cửa riêng biệt) với tổng chiều dài sông suối trên địa bàn tỉnh là 9.828 km, mật độ trung bình là 0,7 km/km2. Sông lớn nhất là sông Cả (sông Lam) bắt nguồn từ huyện Mường Pẹc tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), có chiều dài là 532 km (riêng trên đất Nghệ An có chiều dài là 361 km), diện tích lưu vực 27.200 km2 (riêng ở Nghệ An là 15.346 km2). Tổng lượng nước hàng năm khoảng 28.109 m3.


Tài nguyên đất

Trong đó: Đất nông nghiệp 1.249.176,1 ha (đất sản xuất nông nghiệp: 276.047,1 ha, đất lâm nghiệp có rừng 963.691 ha, đất nuôi trồng thủy sản 7.984,1 ha, đất làm muối 837,8 ha, đất nông nghiệp khác 616,1 ha), Đất phi nông nghiệp 129.171,6 ha, Đất chưa sửa dụng: 270.649,4 ha.

Đất đai lớn là tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trên quy mô lớn, tập trung, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các loại sản phẩm từ cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm,...


Tài nguyên rừng:

Với 885.339 ha diện tích đất có rừng, rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ lớn với diện tích 732.741 ha, rừng trồng chiếm 152.867 ha, độ che phủ đạt gần 54%. Rừng Nghệ An mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật rừng Việt Nam. Theo thống kê có đến 153 họ, 522 chi và 986 loài cây thân gỗ, chưa kể đến loại thân thảo, thân leo và hạ đẳng. Trong đó có 23 loài thân gỗ và 6 loài thân thảo được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Rừng tập trung ở các vùng đồi núi với hai kiểu rừng phổ biến là rừng kín thường xanh, phân bố ở độ cao dưới 700m và rừng kín hỗn giao cây lá kim, phân bố ở độ cao lớn hơn 700m.


Bản đồ hành chính tỉnh Nghệ An
Bản đồ hành chính tỉnh Nghệ An

 
2. Dân cư

- Dân tộc Thái: Đây là bộ phận dân cư lớn nhất, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt miền núi Nghệ An trong lịch sử cũng như hiện nay là gần 30 vạn cư dân Thái.

Dân tộc Thổ: Tộc người Thổ ở Nghệ An hiện nay bao gồm các nhóm Cuối, Kẹo, Mọn, Họ, Đan Lai, Ly Hà và Tày Poọng. Quá trình tụ cư của người Thổ ở Nghệ An khá phức tạp và còn nhiều tranh cãi. Phần lớn các học giả cho rằng quá trình tụ cư của người Thổ ở Nghệ An là quá trình cộng cư của 3 bộ phận: Bộ phận người Kinh ở miền xuôi chạy lên; Bộ phận người Kinh cư trú tại chỗ từ thời xa xưa (khu vực Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp) và bộ phận người Mường, người Kinh từ Thanh Hóa chạy sang. Địa bàn sinh sống hiện nay của người Thổ Nghệ An gồm hai khối cư trú tương đối tập trung nhưng lại ở cách xa nhau, gần như biệt lập với nhau. Khối cư dân ít hơn ở phía Nam bao gồm các nhóm Đan Lai - Ly Hà và Tày Poọng. Khối cư dân đông hơn ở phía Đông Bắc bao gồm các nhóm Kẹo, Mọn, Họ và Cuối.

- Dân tộc Khơ Mú: Tộc người Khơ Mú thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme. Người Khơ - mú có nhiều tên gọi khác nhau. Ở Lào, người Khơ - mú được gọi chung một cái tên là Lào Thỏng, nghĩa là những người sống ở vùng giữa, lưng chừng sườn núi. Ở Nghệ An, người Khơ - mú tự nhận tên của mình là KhMụ - có nghĩa là Người. Họ còn được các tộc người khác đặt tên: Xá Cẩu, Xá Khao, Phu Thênh, Kha Mu, Căm Mụ, Tày Hạy, Mứn Xen... Năm 1979, sau nhiều cuộc điều tra xác định thành phần các dân tộc, các nhà khoa học đã công bố Danh mục Thành phần các dân tộc ở Việt Nam, tên gọi Khơ - mú là tên gọi thống nhất cho tộc người này trong cả nước.

- Dân tộc Mông: Người Mông vào đến Nghệ An chậm hơn, cách đây khoảng 130 - 140 năm. Trên đường chuyển cư vào Nghệ An, có bộ phận qua Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa vào Nghệ An; có bộ phận qua Lào cư trú một thời gian mới qua Nghệ An.

- Dân tộc Ơ Đu: Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ: phát, đốt, gieo hạt từ các tháng 4 - 5 âm lịch, thu hoạch vào các tháng 9 - 10. Công cụ làm rẫy gồm rìu, dao, gậy chọc lỗ. Ngoài lúa là giống cây trồng chính, còn trồng sắn, bầu, bí, ngô, ý dĩ, đỗ, hái lượm và săn bắn vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống. Chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê khá phát triển. Trâu, bò dùng làm sức kéo, lợn gà sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tín ngưỡng, cúng ma... Ðan lát đồ gia dụng bằng giang, mây, một phần tiêu dùng, phần để trao đổi. Ngược dòng thời gian khi mới ngụ cư họ còn biết dệt vải để mặc và trao đổi.

3. Lịch sử hình thành và phát triển

Nghệ An là một vùng đất có lịch sử định cư lâu đời. Các di chỉ thuộc Văn hóa Quỳnh Văn thuộc thời kỳ đồ đá mới được phát hiện tại Quỳnh Lưu vào những năm 1930 cho thấy khu vực này đã được định cư bởi nhóm cư dân ven biển biết làm đồ gốm, thuần dưỡng súc vật cách đây khoảng 6000 năm. Giai đoạn hậu đồ đá mới có cách di chỉ như Hang Thẩm Hoi, hang Đồng Trương... Nghệ An cũng là địa bàn sinh sống của cư dân Đông Sơn với di chỉ Làng Vạc. Tại đây vào năm 1991, phát hiện được tổng cộng 347 ngôi mộ. Làng Vạc là khu mộ táng lớn nhất, có mật độ cao nhất trong văn hóa Đông Sơn.

Theo cổ tích Hùng Vương thì vùng Nghệ An và Hà Tĩnh vốn thuộc nước Việt Thường, kinh đô là vùng chân núi Hồng Lĩnh. Đến thời Hùng Vương thì trở thành bộ Hoài Hoan và bộ Cửu Đức trong 15 bộ của nước Văn Lang.

Đầu thời kỳ Bắc thuộc, vùng đất Nghệ An lần lượt thuộc các quận Cửu Chân, Cửu Đức của nhà Hán, nhà Đông Ngô, nhà Tấn và Lưu Tống. Đến nhà Lương (502-557) chia đặt làm Đức Châu, Lỵ Châu và Minh Châu.

Nhà Tùy năm 598 đổi Đức Châu làm Hoan Châu, Lỵ Châu làm Trí Châu. Năm 607 hợp cả Minh Châu, Trí Châu và Hoan Châu thuộc quận Nhật Nam. Nhà Đường năm 618 chia quận Nhật Nam làm Đức Châu, Lạo Châu, Minh Châu và Hoan Châu. Năm 627 đổi Đức Châu lại làm Hoan Châu, còn Hoan Châu cũ thì đổi làm Diễn Châu. Trong thế kỷ 8, Nghệ An là địa bàn chính của khởi nghĩa Mai Hắc Đế chống lại nhà Đường. Ông xây thành Vạn An ở Sa Nam (Nam Đàn).

Thời kỳ độc lập tự chủ, Nhà Ngô, Nhà Đinh và nhà Tiền Lê đều gọi là Hoan Châu. Nhà Lý thì đổi làm trại gọi là Nghệ An châu trại. Năm Thiên Thành thứ 2 (1030) đổi tên là Nghệ An châu, mà Diễn Châu thì đứng riêng làm một châu. Nhà Trần năm 1357 lập ra Diễn Châu Lộ, chia Hoan Châu làm 4 lộ: Nhật Nam, Nghệ An Nam, Nghệ An Bắc, Nghệ An Trung (còn gọi là Nghệ An Phủ). Năm 1285, trước họa xâm lăng của quân xâm lược Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã dựa và nguồn nhân lực hùng hậu của vùng đất này.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, năm 1424, Lê Lợi tiến quân vào xứ Nghệ, lập đại bản doanh ở đây trong bốn năm. Nhà Lê năm 1428 lập đạo Hải Tây, sau đặt làm Nghệ An thừa tuyên. Năm 1490 đổi làm xứ: Xứ Nghệ. Trong thời kỳ Nội chiến Lê Mạc, Nghệ An là địa bàn tranh giành ác liệt giữa nhà Mạc và nhà Lê. Nhà Mạc thường xuyên dùng thủy quân tiến công bọc hậu vào địa bàn Thanh Hóa của các vua Lê. Năm 1535, Mạc Đăng Lượng và em Mạc Đăng Hào đưa hơn một vạn quân vào trấn thủ đất Hoan Châu.

Đến thời nhà Tây Sơn xứ Nghệ được đổi làm Trung Đô. Hoàng đế Quang Trung cho xây Phượng Hoàng Trung Đô ở thành phố Vinh ngày nay, với ý định đặt thủ đô của Việt Nam tại đây, thay thế kinh đô Phú Xuân. Tuy nhiên dự án này chìm vào quên lãng khi ông qua đời. Thời nhà Nguyễn đặt làm Nghệ An trấn. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), chia Nghệ An trấn thành hai tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trong thời kỳ thuộc địa, người Pháp đã cắt một số các phủ huyện thuộc tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc xứ Trung Kỳ cho Lào thuộc Pháp vào các năm 1895 và 1903, bao gồm các vùng: phủ Trấn Biên (khoảng phía Đông Nam tỉnh Hủa Phăn), phủ Trấn Ninh (Xiêng Khoảng) (, phủ Trấn Định (Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn)...

Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh hợp thành tỉnh lớn Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Nghệ Tĩnh lại tách ra Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nghệ An có truyền thống hiếu học, có nhiều dòng họ, nhiều làng học nổi tiếng, là cái nôi sản sinh cho đất nước nhiều danh tướng, lương thần, nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá có tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Số người Nghệ Tĩnh đậu đại khoa thời phong kiến (tiến sĩ trở lên) xếp thứ 4 toàn quốc (sau Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội).

4. Tiềm năng văn hóa - du lịch

Với điều kiện tự nhiên đa dạng và phong phú về địa hình, Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Phía Tây Nghệ An là các khu du lịch gắn liền với các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Huống, hoặc các danh thắng tự nhiên như thác Sao Va, thác Khe Kèm…

Phía Đông Nghệ An là một loạt các bãi tắm đẹp trải dài từ bãi Quỳnh Phương - Quỳnh Lưu đến Diễn Thành - Diễn Châu, Cửa Hiền - Nghi Lộc và nổi tiếng hơn cả là bãi biển Cửa Lò.
Một số khu du lịch mới hình thành, có chất lượng cao và được nhiều du khách biết đến như khu resort Bãi Lữ (tai xã Nghi Yên - huyện Nghi Lộc) hoặc khu du lịch biển Diễn Thành (huyện Diễn Châu) đang tiếp tục phát triển và khẳng định uy tín. Trong tâm thức của người dân cả nước, Nam Đàn là vùng “địa linh nhân kiệt”- cái nôi của phong trào yêu nước, quê hương của Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh… và là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Ở Nam Đàn hầu hết các di tích - danh thắng trên địa bàn huyện đều gắn liền với tên tuổi của các bậc tiền bối đã có những cống hiến lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Bến Sa Nam; Đền thờ, Mộ vua Mai; Nhà lưu niệm Cụ Phan Bội Châu; Dấu tích của thành Lục Niên; Khu mộ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; Núi Chung... và đặc biệt là quê Bác - Khu di tích Kim Liên - nơi tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện qua các di tích lưu niệm về Người. Tất cả các di sản đã phần nào nói được cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, người con ưu tú bậc nhất của xứ sở Lam Hồng và của đất nước Việt Nam. Thành phố Vinh hấp dẫn du khách bởi một quần thể khu du lịch với những nét đặc trưng tiêu biểu của một đô thị xứ Nghệ như: Quảng trường Hồ Chí Minh; lâm viên núi Quyết, rừng Bần Tràm chim Hưng Hoà; Bảo tàng Xô viết-Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Quân khu 4, Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An; Công viên Nguyễn Tất Thành, Công viên Trung tâm, Khu vui chơi giải trí du lịch Hồ Cửa Nam;  Ngoài ra còn có vùng du lịch phụ cận  với những điểm đến như: Đài liệt sỹ Xô Viết-Nghệ Tĩnh (Thái Lão), Nhà lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong; đền Hồng Sơn; chùa Cần Linh; Đền thờ vua Quang Trung; Đền thờ và mộ Ông Hoàng Mười, núi Hồng và sông Lam… 
Theo nghean.gov.vn, wikipedia

Có thể bạn quan tâm